Top

Cầu dây văng lớn nhất miền Bắc lại lỗi hẹn khởi công

Cập nhật 21/02/2009 09:55

Sau 3 lần lỗi hẹn, cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội - vẫn chưa thể định được thời điểm khởi công do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng.

Ngày 19/2, Ban Quản lý dự án hạ tầng tả ngạn (chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng) một lần nữa xin "khất" với lãnh đạo Hà Nội đến hết quý II/2010 mới hoàn tất phần việc giải phóng mặt bằng. Trong khi, theo kế hoạch ban đầu, hết tháng 6/2010, việc hợp long cầu đã phải sẵn sàng.

Theo lý giải của đơn vị được giao giải phóng mặt bằng, khó khăn đang tập trung ở phần đất của phường Phú Thượng và Nhật Tân (quận Tây Hồ). Nguyên nhân chính là do người dân không chấp thuận chính sách đền bù. Trong khi đó, quá trình quản lý và lưu trữ hồ sơ tại các phường không đầy đủ, thiếu các cơ sở để xác minh nguồn gốc đất, gây khiếu kiện.

"Hiện khó nhất là còn hơn 300 khu đất thổ cư cần lập hồ sơ, phương án đền bù. Nếu làm nhanh cũng phải mất một năm", ông Lê Văn Phượng, Phó chủ tịch quận Tây Hồ, nói.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Khôi, Phó chủ tịch UBND Hà Nội, việc điều tra, lập phương án đền bù với tốc độ "rùa bò" như vậy là không thể chấp nhận. "Với ngần ấy trường hợp, chẳng lẽ chủ đầu tư cần hơn một ngày cho mỗi hồ sơ? Phải tăng nhân lực, tăng tốc độ vì tiến độ dự án đến thời điểm này đã quá chậm", ông Khôi nói.

Phó chủ tịch Hà Nội yêu cầu, mọi công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng phải kết thúc vào cuối năm nay. Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý dự án hạ tầng tả ngạn chỉ hứa "sẽ phấn đấu hết sức" mà không định được mốc hoàn thành.

Theo quy hoạch tổng thể, dự án cầu Nhật Tân là một trong 7 cầu bắc qua sông Hồng đoạn Hà Nội. Với thiết kế dây văng, cầu bắt đầu tại phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) đến điểm cuối giao với quốc lộ 3 thuộc huyện Đông Anh. Cầu được thiết kế vĩnh cửu với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng. Chiều dài toàn tuyến là 8,4 km, trong đó cầu dài 3,9 km, đường dẫn 4,5 km. Chiều rộng đảm bảo cho 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới..

Tổng mức đầu tư dự án là 7.530 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Sau khi hoàn thành, cầu Nhật Tân sẽ giảm tải cho cầu Chương Dương, rút ngắn quãng đường từ sân bay Nội Bài về trung tâm thủ đô và hoàn thiện tuyến đường vành đai 2. Đây là công trình được lãnh đạo Hà Nội đánh giá sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội khu vực phía Bắc sông Hồng.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress