Top

Cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ: Thống nhất phương án cuối cùng

Cập nhật 05/03/2008 09:00

Chiều 4-3, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ban, ngành liên quan về việc cải tạo khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng).

Sau khi nghe Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội trình bày phương án mới để đầu tư cải tạo xây dựng lại KTT Nguyễn Công Trứ và cân nhắc những ý kiến của các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã kết luận đây là phương án cuối cùng để TP trình lên Thành ủy xin ý kiến rồi sau đó thông qua Bộ Xây dựng để báo cáo Chính phủ.

Lỗ sẽ vượt xa con số 1.600 tỷ đồng!

Theo Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển (CP ĐTXDPT) nhà số 7 - Chủ đầu tư dự án, để bảo đảm quỹ nhà tái định cư tại chỗ cho 100% dân cư sở tại, dự án sẽ xây 9 khối nhà ở hỗn hợp cao từ 15 đến 25 tầng trên diện tích đất 29.270 m2.

Những căn hộ sẽ có diện tích sàn ở tối thiếu theo quy định và một số căn hộ có diện tích lớn hơn theo nguyện vọng dân cư cùng nhu cầu thực tế. Đồng thời sẽ có 2 khối nhà trên diện tích 11.147 m2 để tạo quỹ sàn thương mại, dịch vụ, xã hội, cộng đồng phục vụ khi ở tập trung.

Chủ đầu tư đề xuất mở thông tuyến phố Lê Gia Định ra phố Nguyễn Công Trứ và nối thông tuyến phố Yên Bái qua Trần Cao Vân ra đường Trần Khát Chân. Ngoài ra, Công ty sẽ đầu tư xây dựng mới đường trục giao thông liên khu vực nối từ phố Ngô Thì Nhậm - Nguyễn Công Trứ - Trần Cao Vân nối với đường Trần Khát Chân.

Hệ thống giao thông nội bộ dự án sẽ có các tuyến đường theo hướng Đông - Tây nối phố Yên Bái và phố Lê Gia Định và tuyến đường nhánh phân tách giữa khu mới giai đoạn 1 và khu cải tạo chỉnh trang giai đoạn 2.

Đặc biệt, phương án này có bố trí hệ thống cây xanh sân vườn tại các khoảng sân trong giữa các khối nhà tạo cảnh quan không gian với tổng diện tích khoảng 18.500 m2. Chủ đầu tư cũng bảo đảm hệ thống điện, cấp nước, thoát nước theo tiêu chuẩn.

Cụ thể, nguồn nước được lấy từ nhà máy nước Lương Yên (công suất 50.000 m3/ngày-đêm). Hệ thống cấp nước được quy hoạch xây dựng mới đi ngầm theo các tuyến phố mới mở cấp nước đến tận các công trình bảo đảm cấp nước sinh hoạt đối với khu ở 200 lít/người/ngày-đêm.

Ngoài ra, phương án này cũng bảo đảm có đủ các công trình: giáo dục, văn hóa - thể thao, dịch vụ - thương mại, sinh hoạt cộng đồng… Chủ đầu tư sẽ xây dựng hơn 70.000 m2 sàn được bố trí tại các khối nhà cao tầng trong dự án để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, sản xuất cho 130 hộ thấp tầng sở hữu tư nhân, các hộ tầng 1 nhà tập thể cũ, 155 ki-ốt bán hàng và 12 đơn vị sản xuất.

Bà Tô Thị Hạnh - Nguyên Giám đốc Công ty CP ĐTXDPT nhà số 7 Hà Nội cho biết, nếu thực hiện theo phương án này, toàn dự án sẽ mất cân đối 1.601 tỷ đồng.

Bởi trong khi tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 6.033 tỷ (số liệu tính toán tại thời điểm quý III/2007), trong đó chi phí đầu tư xây dựng lên tới hơn 4.680 tỷ đồng thì tổng các khoản thu của dự án chỉ là 4.432 tỷ đồng. Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến cho rằng khi thực hiện dự án này, số tiền lỗ thực tế sẽ vượt xa con số 1.600 tỷ đồng.

Chấm dứt chặng đường gian truân?

Kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tạm chấm dứt chặng đường gian truân không chỉ của Công ty CP ĐTXDPT nhà số 7 trong quá trình nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm cải tạo KTT Nguyễn Công Trứ. Nếu tính từ năm 2002, khi bắt đầu có chủ trương cải tạo những KTT cũ nát trên địa bàn thì đến nay đã là 6 năm.

Trong quãng thời gian đó, Công ty CP ĐTXDPT nhà số 7 cùng các sở, ban, ngành đã họp không biết bao nhiêu bận, làm không biết bao nhiêu việc để có được kết quả điều tra xã hội học, phương án quy hoạch và đầu tư, đề xuất những giải pháp thực hiện. Ngoài ra, riêng bản quy chế thí điểm cải tạo những KTT cũ nát do Sở Tài nguyên - Môi trường và Nhà đất soạn thảo cũng được trình lên UBND TP hơn 20 lần.

Tuy nhiên, câu hỏi liệu KTT Nguyễn Công Trứ có được cải tạo theo phương án này hay không vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Chủ tịch UBND thành phố đã nói rõ phương án này không thể trái với Nghị quyết 34/NQ-CP (ngày 3-7-2007) của Chính phủ.

Vì vậy, phương án này sẽ được hoàn thiện để xin ý kiến của Thành ủy và khi Thành ủy chấp nhận sẽ thông qua Bộ Xây dựng để báo cáo Chính phủ. Sau đó, Chính phủ có thể sẽ ra văn bản có tính chất bổ sung Nghị quyết 34/NQ-CP để Hà Nội thực hiện dự án này.

Chủ tịch UBND TP khẳng định rằng Hà Nội hạ quyết tâm thực hiện tốt dự án thí điểm đầu tiên này bởi “đầu có xuôi thì đuôi mới lọt”. Rõ ràng, việc thực hiện dự án này dù theo phương án nào cũng sẽ có cái được cái mất nhưng đều bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích 3 bên: Người dân - Doanh nghiệp - Nhà nước. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh, trách nhiệm sẽ được xếp lại theo thứ tự: Nhà nước - Doanh nghiệp - Người dân.

Cũng tại buổi làm việc này, Chủ tịch UBND TP khẳng định quy chế cải tạo KTT cũ nát trên địa bàn thành phố sẽ sớm được hoàn thiện để đưa sang Mặt trận Tổ quốc thành phố xin ý kiến phản biện và ý kiến của người dân.

Quy chế lần này được soạn thảo theo hướng tạo dựng một quy chế khung bảo đảm những nguyên tắc cơ bản. Khi tiến hành cải tạo những KTT cũ nát đã xuống cấp, mỗi dự án sẽ có những phương án đặc thù nhưng phải tuân thủ theo những nguyên tắc trong quy chế.

Tổng hợp các chỉ tiêu quy hoạch chính

1. Mật độ xây dựng trung bình toàn khu: 45%;
2. Hệ số sử dụng đất trung bình toàn khu: 5,7 lần;
3. Các chỉ tiêu kỹ thuật đối với khu ở:
- Diện tích sàn xây dựng bình quân: 20m2/người;
- Số chỗ đỗ ô tô tầng hầm khu ở: 1.100 chỗ;
- Chỗ đỗ ô tô bình quân đầu người: 1 chỗ/8 người (tiêu chuẩn 2 hộ/chỗ);
4. Chỉ tiêu kỹ thuật đối với khu công trình hỗn hợp:
- Số chỗ đỗ ô tô tầng hầm khu nhà hỗn hợp: 1.160 chỗ;
- Chỉ tiêu đỗ ô tô bình quân: 1 chỗ/100 m2 sàn.
5. Chỉ tiêu kỹ thuật đối với công trình vườn trẻ:
- Số chỗ học vườn trẻ toàn khu: 540 chỗ (tiêu chuẩn 58 chỗ/1.000 dân);
- Chỉ tiêu diện tích sàn bình quân: 4 m2 sàn/chỗ;
- Chỉ tiêu diện tích đất bình quân: 6m2/chỗ.


Theo Hà Nội Mới