Top

Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội: Có quy chế, vẫn... vướng

Cập nhật 11/09/2008 01:00

Cuối cùng, sau nhiều lần dự thảo, sửa đổi, bổ sung, Quy chế cải tạo chung cư cũ trên địa bàn cũng được UBND TP Hà Nội ban hành.

Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) tham gia các dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố vẫn “chê” quy chế còn nhiều điểm chưa cụ thể, hoặc chưa giải được những vấn đề đang gây khiếu nại, thắc mắc trong nhân dân...

Nên lồng ghép các tiêu chí vào quy chế

Theo phản ảnh của DN, qua điều tra xã hội học, phần lớn các hộ sinh sống tại tầng 1 không đồng ý với hệ số diện tích tăng thêm là 1,3 lần như quy chế đưa ra.

Thực tế, các khu tập thể phần lớn được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Thời bao cấp, nhà ở tầng 1 không được ưa thích, khi sang kinh tế thị trường, nhà tầng 1 trở nên có giá, có thể sinh lợi cho chủ nhà (làm nơi kinh doanh).

Vì vậy, cần phải xem xét cả quá trình lịch sử và xây dựng hệ số riêng cho nhà tầng 1 khi tái định cư. Về hệ số chuyển tầng, quy chế cần ghi rõ và cũng nên chỉ áp dụng cho nhà không thang máy.

Bởi, với nhà chung cư có thang máy, ở tầng 5 hay tầng 10 không khác nhau nhiều, hơn nữa xu hướng chung hiện nay là muốn ở tầng cao để được hưởng không gian thoáng đãng. Ngoài những điểm chưa rõ, quy chế cũng chưa đề cập đến một số vấn đề theo DN đang là những trở ngại lớn.

Đơn cử như việc giải phóng mặt bằng (GPMB), có những dự án “tắc” nhiều năm chỉ vì địa phương chưa thực sự vào cuộc cùng DN; một thủ tục hành chính trong việc lập phương án GPMB, DN phải chạy hàng tháng trời qua nhiều “cửa”. Vì vậy, quy chế nên quy định rõ thời gian chính quyền phải thành lập hội đồng GPMB kể từ khi có phương án tổng thể.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Vũ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sông Hồng Land (Tổng Công ty Sông Hồng) lại đặt vấn đề: Quy chế nên quy định cụ thể chung cư xuống cấp mức độ nào thì cải tạo xây dựng lại, tránh việc DN cứ đề xuất tràn lan gây xáo trộn đời sống của nhân dân.

Vẫn biết quy chế mang tính nguyên tắc chung, song những điểm nào có thể quy định cụ thể được, nên đưa vào quy chế. Càng đầy đủ, rõ ràng, việc triển khai càng thuận lợi.

Chỉ tiêu quy hoạch vẫn là... nút thắt

Hiện nay, dự án cải tạo khu tập thể Nguyễn Công Trứ đang được khởi động bằng việc trưng bày quy hoạch, lấy ý kiến nhân dân trước khi trình thành phố phê duyệt.

Tuy nhiên, để có được đồ án quy hoạch này, chủ đầu tư cùng các sở, ngành đã phải mất nhiều năm “nghiên cứu” về chỉ tiêu mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao công trình.

Theo các DN, mâu thuẫn lớn nhất hiện nay là các chỉ tiêu quy hoạch. Nếu cứ áp dụng các chỉ tiêu quy hoạch cũ, chắc chắn DN không được xây nhà cao tầng, quỹ nhà sau khi xây dựng lại không đủ để tái định cư, kinh doanh, thì dự án không thể khả thi và chẳng DN nào dại gì bỏ vốn đầu tư.

Trong khi chấp nhận các chỉ tiêu do DN đưa ra (bảo đảm kinh doanh), thành phố lại đối mặt với tình trạng chất tải thêm vào khu vực nội thành và phá vỡ toàn bộ kết cấu hạ tầng, nhất là điện, cấp thoát nước, hệ thống giao thông...

Nhiều dự án cải tạo khu tập thể cũ đang tắc ở chỗ này. Để giải quyết “mâu thuẫn”, thành phố có chủ trương hỗ trợ DN về hạ tầng, bố trí thêm dự án khác để DN bù lỗ.

Cũng có ý kiến cho rằng, nên áp dụng chính sách như một số nước láng giềng đang làm là khuyến khích di dời dân đi hẳn khỏi các khu nhà cũ nát đó, bằng cách nếu người dân đến nơi ở mới sẽ được nhiều lợi ích hơn, chứ không nên đặt vấn đề dự án nào cũng phải bảo đảm tái định cư 100% tại chỗ. Tuy nhiên, ý tưởng đó có khả thi hay không vẫn rất khó trả lời.

Theo Hà Nội Mới