Top

Chậm quyết toán: Nhà thầu bỏ chạy...

Cập nhật 10/09/2008 15:00

Thiếu vốn và trượt giá vật liệu xây dựng khiến cho bầu không khí u ám phủ bóng lên nhiều DN thầu xây dựng. Những DN nhanh chân chuyển hướng hoạt động được coi là gặp may.

Tuy nhiên không phải DN nào cũng đánh giá trước được tình hình để có thể ứng phó từ xa. Ngày càng nhiều DN chuyên xây dựng phải chuyển hướng kinh doanh và thu hẹp hoạt động chuyên môn.

Dạo qua một loạt DN chuyên kinh doanh xây dựng tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái... đa phần các DN trong tình trạng cầm chừng, một ít trong số đó đã chuyển hướng qua các hoạt động thương mại, vận tải...

Ông Nguyễn Thanh Tùng - GĐ Cty TNHH Thanh Tùng (Sơn La) cho biết, do đánh giá tình hình có nhiều khó khăn nên mặc dù là một DN có tiếng về xây dựng, Cty Thanh Tùng đã chuyển hướng sang một loạt hoạt động khác như chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghiệp, vận tải và giáo dục.

Từ năm 2006, DN này đã thu hẹp dần các hoạt động xây dựng cơ bản và thi công đường giao thông.

Tuy nhiên số DN nhanh chân chuyển hướng như Cty Thanh Tùng không nhiều. Đa phần các DN xây dựng ở các tỉnh nhỏ đã và đang phải hoạt động cầm chừng.

Cty TNHH Trường Giang do tiếp tục đầu tư, tự bỏ vốn thi công hàng loạt công trình nên đang vướng vào tình trạng thiếu vốn nặng và hàng loạt các khoản nợ đọng chưa thể thanh toán được.

Lãnh đạo DN này cho biết, tiền mua sắt, xi măng thì không thể nợ một đồng trong khi công trình thì vẫn chưa thể thanh toán mặc dù Bộ XD đã ban hành nhiều chính sách tháo gỡ.

Trở lại vấn đề chính sách tháo gỡ, tháng 8/2008, Bộ Xây dựng đã một lần nữa ban hành Văn bản số 1551/BXD-KTXD để hướng dẫn thêm về Thông tư 09.

Các cơ quan quản lý coi đây là nấc thang mới khai thông bế tắc của xử lý biến động giá, song đối với DN, nấc thang vẫn quá hẹp.

Cho tới nay, sau 5 tháng ban hành Thông tư 09/2008/TT-BXD ngày 17/4/2008 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn điều chỉnh giá và hợp đồng xây dựng do biến động giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu xây dựng, gần như chưa một nhà thầu, công trình nào được hưởng lợi.

Việc xác định, kiểm chứng tính xác thực của hóa đơn, chứng từ hợp lệ và cả thông báo giá của chính quyền địa phương là việc không thể thực hiện được khiến Thông tư 09 trở nên bế tắc.

Đặc biệt "căn cứ theo báo giá của chính quyền địa phương", hiện càng không khả thi bởi hiện nay mỗi địa phương ban hành một kiểu và không có thời gian cố định. Một số địa phương 6 tháng hoặc 1 năm mới ban hành một lần khiến cho việc áp dụng là không thể.

Trong khi khó khăn vẫn đầy rẫy từ thực tế đến cơ chế chính sách thì tình trạng chậm thanh quyết toán và nợ đọng lại càng gia tăng khiến các DN lâm vào thế hết sức khó khăn.

Vụ Tài chính - Bộ GTVT cho biết, tình hình tài chính của các Tổng công ty xây dựng của bộ hết sức khó khăn, nợ đọng trong XDCB còn nhiều, nợ lũy kế có đơn vị còn lớn, vốn chủ sở hữu thấp, bên cạnh đó lãi suất vay vốn ngân hàng cao, chính sách cho vay siết chặt...

Do vậy khả năng đáp ứng vốn của nhà thầu để thi công dự án đúng tiến độ yêu cầu là rất khó. Như vậy là sẽ có hàng loạt dự án chậm tiến độ và các dự án đã chậm sẽ tiếp tục chậm hơn.

Để các DN riêng ngành GTVT có thể về trạng thái cân bằng tài chính, cũng theo Vụ Tài chính - Bộ GTVT, cần tối thiểu 1.657,9 tỷ đồng, bằng số nợ đọng mà các DN này đang mắc.

Vụ cũng đề nghị xử lý dứt điểm số vốn lũy kế đến 31/12/2007 bằng các giải pháp như: miễn, giảm thuế và các khoản phải nộp ngân sách, cấp bù trừ Quỹ hỗ trợ sắp xếp đổi mới DN...

Đề nghị thì đề nghị song để giải quyết được con số đến hết 31/12/2007 thì con số phát sinh cần giải quyết sẽ lại phình ra hàng nghìn tỷ đồng - một chuyên viên của Bộ GTVT ngao ngán.

Trong bối cảnh thiếu vốn như vậy song việc thẩm tra, thẩm định dự án và tiến hành đầu tư lại hết sức chậm trễ. Điển hình là ngành đường sắt.

Tới hết tháng 8/2008, tỷ lệ giải ngân dự án sử dụng vốn ODA của ngành đường sắt chỉ đạt 18,8% kế hoạch. Mặc dù năm 2008, tổng số vốn bố trí cho các dự án đường sắt sử dụng vốn ODA là hơn 600 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài 430 tỷ đồng và vốn đối ứng khoảng 173 tỷ đồng.

Tình trạng nợ đọng, nhiều văn bản tháo gỡ không khả thi khiến hàng loạt các nhà thầu xây dựng cơ bản đang lâm vào thế cực kỳ khó khăn, rất nhiều trong số đó đã phải thu hẹp hoạt động và chuyển sang lĩnh vực kinh doanh mới.

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến 30/6/2008 hiện có 251 dự án, hạng mục công trình đã có báo cáo quyết toán nhưng chưa được cấp có thẩm quyền thẩm tra, phê duyệt quyết toán với giá trị đề nghị quyết toán lên đến 27.298,9 tỷ đồng.

Đó là chưa kể tới 125 dự án và hạng mục công trình đã hoàn thành nhưng chưa lập được báo cáo quyết toán. Trong đó có 1 dự án quốc gia, 16 dự án nhóm A, 62 dự án nhóm B, 32 dự án nhóm C và 14 dự án chuẩn bị đầu tư.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp