"Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050" do Bộ GTVT trình ngày 22/10/2008 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có hiệu lực thực thi...
Trước đó, cơ sở để đối chiếu, áp dụng nhiều vấn đề phát triển đường sắt Việt Nam nói chung chủ yếu dựa vào Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông - vận tải đường sắt Việt Nam đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2002.
Kể từ bây giờ, lĩnh vực đường sắt đã có thêm cơ sở mới là chiến lược vừa được phê duyệt, không những thế còn hoạch định dài thêm 30 năm (đến 2050) so với quy hoạch trước.
Theo chiến lược này, giao thông vận tải bằng đường sắt được coi là bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước. Việc phát triển giao thông vận tải đường sắt sẽ đi thẳng vào tiêu chí "hiện đại, nhanh, bền vững" và gắn bó chặt chẽ với các phương thức giao thông vận tải khác, nhằm phát huy lợi thế, phục vụ hiệu quả cao nhất cho phát triển của đất nước.
Đường sắt cũng có nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; phát triển các vùng xa, vùng sâu, vùng khó khăn và giảm thiểu ách tắc, tai nạn giao thông nhiều đô thị lớn... Dự kiến đến 2050, mạng lưới đường sắt khắp nơi sẽ "cõng" khoảng 1/4 nhu cầu giao thông đô thị.
Thời gian tới, Nhà nước sẽ chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, khởi công xây dựng mới hoặc nâng cấp một số tuyến đường sắt trọng yếu như: cao tốc Bắc - Nam; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Đồng Đăng (thuộc chương trình hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung)... đồng thời coi trọng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng hiện có, bảo đảm khai thác hiệu quả, thông suốt, an toàn.
Vận tải bánh sắt tại các đô thị, đường sắt nội - ngoại ô... cũng sẽ được tập trung phát triển, làm nòng cốt trong vận tải hành khách công cộng, trước mắt ưu tiên thực hiện tại Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn đến 2020.
Trong vòng 12 năm nữa, mạng đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường sắt cận cao tốc hành lang Đông - Tây và các tuyến đường sắt đô thị tại 2 thành phố lớn (kể trên)... phải đạt mật độ 15 ÷ 17 km/1.000km2 và khoảng 50 - 70 km/1 triệu dân; đường đôi đạt tỷ lệ 35 ÷ 39% và đường điện khí hóa đạt tỷ lệ 40 ÷ 44%.
Theo đó, một số đoạn tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam tốc độ 350 km/h sẽ được ưu tiên hoàn thành sớm như: Hà Nội - Huế; Hà Nội - Đà Nẵng; TP.HCM - Nha Trang... Toàn ngành phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác các tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Đồng Đăng (kể trên)... đồng thời đầu tư xong và đưa vào khai thác tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, đường sắt nối đến các cảng biển lớn, các khu công nghiệp, khu du lịch…
Các tuyến đường sắt quốc gia hiện có cũng được nâng đúng cấp kỹ thuật đạt tốc độ 120 km/h phục vụ vận tải liên tỉnh, hàng hóa và kết nối với đường sắt các nước ASEAN.
Đến 2050, đường sắt Việt Nam nói chung cần đáp ứng tối thiểu 20% nhu cầu luân chuyển hành khách và hàng hóa. Trong đó, 40% về hành khách trên hành lang Bắc - Nam; 45% về hành khách và hơn 50% về hàng hóa trên hành lang Đông - Tây và tối thiểu 25% nhu cầu vận chuyển hành khách đô thị.
>Đường sắt đô thị là nòng cốt vận tải hành khách công cộng
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet