Chiều nay (12/8), Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ trực tiếp đi kiểm tra một số khu chung cư cũ tại quận Ba Đình, Hà Nội.
Ngay sau khi kiểm tra, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng sẽ có buổi họp bàn với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội để nắm bắt tình hình, tìm giải pháp phù hợp để cải tạo, chỉnh trang một số dự án chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang có khoảng 1.200 chung cư cũ từ 4 – 9 tầng, trong đó có gần 1.000 chung cư thuộc Thành phố quản lý và hơn 170 chung cư, nhà tập thể khác do doanh nghiệp phát triển nhà thuộc Bộ Quốc phòng quản lý.
Mặc dù trên địa bàn thành phố Hà Nội đang có hàng chục chung cư cũ cần phải cải tạo ngay vì đã ở mức độ nguy hiểm đối với người đang sử dụng, nhưng hàng loạt những vướng mắc từ thực tiễn đến cơ chế, chính sách đã khiến kế hoạch cải tạo chung cư cũ của Hà Nội lâm vào cảnh khó khan.
Đơn cử, như dự án cải tạo chung cư cũ CT1 Thành Công. Tòa nhà này được xây dựng từ đầu những năm 1985, do bị sụt lún gây nguy hiểm cho người dân vì vậy TP Hà Nội đã quyết định xây dựng lại. Tuy nhiên, từ khi di dời dân khoảng 7-8 năm nay, dự án vẫn chưa thể khởi công xây dựng do người dân và chủ đầu tư chưa đạt được thỏa thuận về bồi thường tái định cư.
Hay như dự án cải tạo chung cư cũ B6 Giảng Võ, người dân đã di dời khỏi khu tập thể này được 4 năm nhưng dự án hiện vẫn chưa xây dựng xong tầng hầm bởi lý do chủ đầu tư thiếu vốn. ...
Việc cải tạo chung cư cũ hiện đang vấp phải rất nhiều vướng mắc và bản thân doanh nghiệp không mấy mặn mà tham gia bởi lợi nhuận thấp do dự án bị giới hạn chiều cao. Theo quy định TP, các chung cư cũ nằm trong nội đô khi cải tạo lại không được xây quá 9 tầng, thêm vào đó người dân đòi hỏi hệ số bồi thường cao khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Do vậy, nếu không có được cơ chế ưu đãi chắc hẳn sẽ ít chủ đầu tư tham gia.
DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia