Top

Bó tay với chủ đầu tư?

Cập nhật 20/07/2015 10:36

Tình trạng người dân sẽ bị treo sổ đỏ khi mua nhà một lần nữa được lật lại, khi Cục Thuế Hà Nội công khai hàng loạt dự án nhà ở còn chây ì nộp tiền thuế đất. Điều đáng nói, không ít dự án trong số đó đã mở bán, thậm chí có dự án đã được chủ đầu tư bán hết. Nhiều chuyên gia đã đặt dấu hỏi về việc cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm với chủ đầu tư?

Mua vì không biết

Không khó để tìm thấy các dự án dù nợ tiền thuế đất vẫn công khai mở bán và được khách hàng nhiệt tình tìm mua tại Hà Nội. Có thể kể đến tòa nhà hỗn hợp Thăng Long tại phường Yên Hòa - Cầu Giấy đã được bán hết cho khách hàng, dù chủ đầu tư là Công ty TNHH Thăng Long đang nợ gần 20 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất. Dự án Thành An Tower tại 21 Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) do Tổng công ty Thành An và CTCP Tư vấn đầu tư Ba Đình làm chủ đầu tư hiện đang được rao bán trên thị trường với mức giá khá cao 31,5-32,5 triệu đồng/m2, dù dự án hiện còn nợ 143 tỷ đồng tiền thuế.

Diamond Blue ở 69 Triều Khúc, (quận Thanh Xuân) cũng đang được rao bán với mức giá 18 triệu đồng/m2 dù cho chủ đầu tư CTCP Đầu tư và công trình Giao thông vận tải đang nợ 24 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Ngoài ra còn có thể kể đến hàng loạt dự án khác như Sapphire Palace, khu chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông, Diamond Flower Tower… cũng đang chìm trong hàng tỷ đồng tiền nợ thuế dù vẫn đang được giao dịch rầm rộ.

Theo khuyến cáo của Cục Thuế Hà Nội, người dân không nên mua nhà của những doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất, bởi việc làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều người dân, chỉ đến khi Cục thuế công khai danh sách họ mới biết chủ đầu tư nợ tiền thuế đất, trước đó muốn biết cũng không có nguồn thông tin nào.

“Cục thuế nói không nên mua nhà nhưng dự án đã mở bán cả năm, người dân đã mua, tiền đã chuyển. Trong khi thời điểm tìm hiểu dự án để mua, chúng tôi không hề được biết thông tin họ đang nợ nần” - anh Nguyễn Quang Minh, khách hàng mua dự án Thành An Tower bức xúc.

Trên thực tế, tình trạng mù thông tin như vị khách hàng trên chiếm đa số trong những người mua nhà, bởi tình hình tài chính hay nợ nần của doanh nghiệp luôn là vùng cấm. Chính vì vậy, người dân mặc nhiên rơi vào tình thế bị động khi chủ đầu tư chây ì trong việc làm sổ đỏ.

Còn nhớ cuối năm 2014, thông tin từ Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã khiến nhiều người bất ngờ, tính đến hết tháng 11-2014, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội mới giải quyết và cấp được 35.518 giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn, chỉ chiếm khoảng 30% số hồ sơ xin cấp sổ đỏ. Nguyên nhân được lãnh đạo sở này cho biết phần lớn đến từ phía chủ đầu tư, trong đó vướng mắc chủ yếu là về giấy tờ hoặc các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Thậm chí, một số dự án, chủ đầu tư còn cản trở, gây khó khăn cho người mua nhà khi hoàn thiện hồ sơ. Có trường hợp chủ đầu tư cố tình không thanh lý hợp đồng, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà. Tình trạng một dự án bàn giao nhà 5-7 năm, thậm chí đã xuống cấp nhưng người dân vẫn mòn mỏi chờ sổ đỏ không còn là chuyện lạ ở Hà Nội.

Cần công khai trước khi mở bán

Ngoài một số chủ đầu tư khó khăn do thị trường BĐS suy yếu, thực tế nhiều năm qua cho thấy đa phần chủ đầu tư đều cố tình chây ì nợ, dù không phải họ hết tiền mà do nợ thuế vẫn có lợi hơn so với nợ ngân hàng. Thí dụ, vừa qua khi bị công khai danh tính 3 đợt liên tục, 15/38 dự án nợ tiền sử dụng đất ở Hà Nội đã cuống cuồng đi nộp ngân sách 219,37 tỷ đồng, trong đó có cả những doanh nghiệp nộp hết số tiền nợ. Điều này cho thấy không phải các doanh nghiệp kiệt quệ đến mức không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế, mà vấn đề chính là cơ quan chức năng chưa sử dụng hết quyền lực của mình trong việc truy thu thuế.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng để đảm bảo quyền lợi người mua nhà, các cơ quan quản lý cần có thông tin rõ ràng về dự án đã thực hiện đủ các thủ tục đầu tư và hoàn thành mọi nghĩa vụ tài chính hay chưa, trước khi nó được mở bán. Bởi có những dự án chỉ bị công khai khi đã nợ thuế lên đến hàng ngàn tỷ đồng, số tiền này không biết đến bao giờ doanh nghiệp mới trả đủ. Đồng nghĩa với đó là việc có được sổ đỏ của những người dân mua nhà ở các dự án này khó như lên trời.

Dự án Thành An Tower còn đang nợ 143 tỷ đồng tiền thuế đất.

Theo GS. Đặng Hùng Võ, việc thiếu công khai, minh bạch tại các dự án là một trong những nguyên nhân khiến thị trường BĐS thiếu lành mạnh và đẩy những rủi ro về phía người mua. Thậm chí có những dự án người mua nhà chỉ biết vài thông tin chủ đầu tư cung cấp hoặc theo kiểu tự nghe ngóng được. Trong khi đó, hiện nay việc làm sổ đỏ chủ yếu vẫn phụ thuộc vào chủ đầu tư.

Theo đó, nếu chủ đầu tư chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính, đồng nghĩa với sổ đỏ của người dân sẽ bị treo lại. Người dân muốn tự đi làm sổ đỏ cũng phải được chủ đầu tư xác nhận thanh lý hợp đồng. “Việc công khai, minh bạch thông tin một lần nữa lại được nhấn mạnh trong Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS đã có hiệu lực thi hành từ đầu tháng 7. Chỉ cần làm tốt những quy định này thị trường sẽ tốt lên nhiều” - GS. Võ nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư