Top

Biệt thự được "bật đèn xanh" lấn sông Sài Gòn

Cập nhật 27/06/2007 13:00

Mặc dù TPHCM đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước đối với sông, kênh rạch trên địa bàn TP, song con số vi phạm cứ ngày một tăng lên.

1.001 kiểu lấn chiếm

Tại quận 7, một trong những địa phương diễn ra tình trạng lấn chiếm sông rạch nghiêm trọng của TP, có 7 hộ dân thuộc khu phố 1, phường Tân Hưng đã lấn chiếm, cất nhà ở trên rạch Bàng từ năm 2004 đến nay. Ông Phan Công Huấn, phó trạm phụ trách Trạm Quản lý Đường sông số 3, than thở: “Ba năm nay, chúng tôi gần như bó tay với các trường hợp này”.

Tại quận 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, Hóc Môn, ở phường Linh Đông, Linh Tây, Bình Chiểu (quận Thủ Đức... tình trạng lấn chiếm kênh, rạch cũng xảy ra tương tự.

Nhiều kênh, rạch chảy qua nhiều quận – huyện đã bị teo lại không thương tiếc, thậm chí có nơi chỉ còn là làn nước nhỏ chảy qua các dãy nhà xây cất trái phép, giống những khu nhà ổ chuột nội thành trước đây mà TP đã tốn bao công sức để giải tỏa.

Không những thế, ở phường Thảo Điền, quận 2 còn có nhiều biệt thự đua nhau lấn sông Sài Gòn. Khác với kiểu lấn chiếm “rẻ tiền” của các hộ dân trên, hầu hết các dự án xây dựng nhà ở ven sông Sài Gòn đều được cơ quan chức năng cho phép xây kè lấn ra sông từ vài mét đến vài chục mét. Người dân quận 2 cho rằng, đây là kiểu lấn chiếm sông, rạch công khai của các “đại gia”.

Dân bức xúc, chính quyền địa phương ung dung

Ngoài nhiệm vụ giao thông đường thủy, các sông, rạch trên địa bàn TP còn có vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước của TP hoặc cung cấp nước tưới cho các vùng đất nông nghiệp ở ngoại thành. Từ những năm qua, dư luận và người dân TP bức xúc trước tình trạng lấn chiếm sông, kênh, rạch, làm cho dòng chảy bị hẹp lại, nước chảy xiết... Đó là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở, vỡ đê bao, thay đổi dòng chảy, gây ngập úng... ở nhiều khu dân cư.

Mặc dù TP đã nhiều lần chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước đối với sông, kênh rạch trên địa bàn TP, song thực tế con số vi phạm cứ ngày một tăng lên. Đến nay, vẫn còn hàng trăm trường hợp vi phạm vẫn chưa được xử lý triệt để.

Trong Chỉ thị số 27/2002/CT-UB ngày 19/12/2002 “về tăng cường quản lý Nhà nước đối với sông, kênh rạch trên địa bàn TP” đã nêu rõ: “Chủ tịch UBND các quận – huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra trường hợp lấn chiếm, san lấp sông, kênh rạch trái phép trên địa bàn quản lý”.

Trên thực tế, nhiều quận – huyện vẫn tỏ ra... ung dung trong xử lý các trường hợp vi phạm. Trong đó, quận 7 là một ví dụ điển hình. Sau khi bác đơn khiếu nại của 7 hộ dân lấn chiếm rạch Bàng, từ tháng 9/2006, phó chủ tịch UBND TPHCM đã giao UBND quận 7 tiến hành cưỡng chế tháo dỡ. Tuy nhiên, “Chính quyền địa phương khi thì nại lý do chuẩn bị APEC, bầu cử, lúc thì chuẩn bị Tết Nguyên đán... đến nay, gần 1 năm trôi qua, vẫn chưa xử lý được” - một cán bộ Trạm Quản lý Đường sông số 3 bức xúc nói.

Dự kiến, đoàn thanh tra toàn diện tình hình lấn chiếm sông, rạch trên địa bàn TPHCM sẽ bắt đầu ra quân vào cuối tháng 6/2007.

(Theo NLĐ)