Cụ thể là các công ty du lịch lớn thay vì đưa khách về khách sạn nên đưa khách sống trong nhà cổ một vài ngày.
Bảo tồn các giá trị kiến trúc cổ không phải là một điều mới mẻ, đó là xu hướng chung của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, vấn đề là phải làm gì để ai ai cũng háo hức tham gia bảo tồn, còn công trình cổ ở các đô thị của ta không bị trở thành công trình cũ.
Bảo tồn không chỉ để nhìn
Nếu nói khá thành công và điển hình về mặt bảo tồn và khai thác các tuyến phố cổ thì không thể không nói tới Hội An. Tuy nhiên, Hội An là một đô thị rất nhỏ với du lịch là hoạt động kinh tế chủ yếu nên khó có thể so sánh với Hà Nội hay TP.HCM. Tôi đã từng có dịp đến tham quan một ngôi nhà cổ ở Hà Nội. Căn nhà này được anh em kiến trúc sư tu bổ, tái tạo theo đúng phong cách, được sử dụng vào mục đích du lịch nhằm giới thiệu cho du khách một thời Hà Nội xưa. Sau khi mua vé, tôi được dẫn đi tham quan vòng vòng căn nhà, nhìn nhìn, ngó ngó, mời ăn bánh uống trà là… hết và ra về. Nhà cổ được bảo tồn ở Hà Nội không phải là một tuyến phố mà chỉ là một, hai căn nhà nào đó lọt thỏm giữa một dãy nhà cũ mới lộn xộn khiến tôi dù cố gắng đến thế nào cũng khó lòng cảm nhận được cảm giác 36 phố phường nức tiếng ngày xưa là đâu. Cách làm đơn điệu và buồn tẻ như vậy sẽ khó lôi cuốn du khách quay lại lần nữa.
Còn ở TP.HCM, đến nay những dãy phố cổ đã gần trở thành nhà cũ, xuống cấp, bị cơi nới, môi trường, vệ sinh không đảm bảo…, chưa biết tương lai ra sao. Báo Pháp Luật TP.HCM đã nói về thực trạng, nguyên nhân dẫn đến điều đó nên tôi không lặp lại. Câu hỏi đặt ra: Vậy có nên bảo tồn những công trình cổ này nữa hay không? Nếu có thì lối ra ở đâu?
Hội quán Tuệ Thành là một di tích kiến trúc cổ trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 đã được trùng tu. Ảnh: HTD |
Tôi cho rằng phải bảo tồn những công trình cổ, bởi một đô thị không thể thiếu quá khứ mà những công trình kiến trúc là một trong các chứng nhân. Khi người ta không biết gì về quá khứ của thành phố mình, đất nước mình thì làm sao có thể yêu thương và xây dựng nó. Thời gian qua, chủ trương ta đã có, tài năng kiến trúc cũng không thiếu nhưng dồn hết tâm huyết cho câu chuyện bảo tồn thì chưa. Điều này cũng không khó lý giải đối với một thành phố đang phát triển quá nhanh, quá nhiều việc phải làm thì việc lưu giữ những giá trị tinh thần chưa được ưu tiên. Nhưng muộn không có nghĩa là không làm nữa, là phải bỏ luôn hay đập hết công trình cổ để xây mới.
Nên mời du lịch tư nhân vào cuộc
Bảo tồn công trình cổ là cần thiết nhưng nếu có thể kết hợp đưa vào du lịch một cách hiệu quả, giới thiệu rộng rãi đến mọi người và có nguồn thu lớn thì còn tốt hơn. Tôi đồng tình với ý kiến không thể dồn hết trách nhiệm bảo tồn cho ngành văn hóa bởi việc này vượt quá khả năng, quyền hạn của họ và không phù hợp thực tế. Cơ quan quản lý hành chính chỉ tham gia ở một góc độ, còn khai thác như thế nào thì cần có sự góp sức của tư nhân, cụ thể là các công ty du lịch lớn, có khả năng định hướng khách du lịch được. Chính họ là người sẽ trả lời câu hỏi: Cần làm gì, đầu tư như thế nào để việc bảo tồn đạt hiệu quả.
Tôi nghĩ giữa cuộc sống bộn bề hiện nay, không ít người ước mong mình được sống lại không khí ngày xưa. Giả sử du khách đến TP.HCM, thay vì nghỉ ngơi tại khách sạn sẽ được sống một vài ngày trong một ngôi nhà cổ xinh xinh ở quận 5, nghe tiếng chim hót, ngắm góc nhà xưa, ăn một bữa ăn ấm cúng… Xung quanh cả một tuyến phố, những ngôi nhà khác cũng cổ xưa, cũng yên bình như thế. Nếu được thế, tôi tin dù chi phí có thể cao hơn ở khách sạn bên ngoài nhưng họ vẫn sẵn lòng. Những điều ấy góp phần để lại những dấu ấn đầy lưu luyến trong lòng du khách về thành phố này. Vậy có thể nâng tầm cho nhà cổ ở ta được như vậy không? Hiện nay mối quan hệ quốc tế của ta có (các quỹ quốc tế rất ủng hộ các đề án này), nội lực ta có, chỉ cần có sự quyết liệt và mạnh tay thì tôi chắc sẽ làm được.
TS - KTS Nguyễn Thanh Nhã, quyền Giám đốc Trung tâm Thông tin, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM
>>Bảo tồn nhà cổ: Chủ không muốn nhà thành di tích
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP