Xây dựng giai đoạn 2 Khu công nghệ cao TP.HCM bằng phương thức “xây dựng - chuyển giao”
Theo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài về kết quả đàm phán vay vốn bổ sung cho dự án xây dựng đại lộ Đông - Tây và dự án cải thiện môi trường nước (giai đoạn 1), số vốn gia tăng cho cả hai dự án khoảng 3.600 tỉ đồng. Trong đó, vốn đối ứng phía VN khoảng 1.400 tỉ đồng, ngân sách TP cân đối khoảng 900 tỉ đồng.
Thi công trên đại lộ Đông - Tây đoạn qua Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 3-5) - Ảnh: H.T.Vân |
Ông Vương Hoàng Thanh, phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước, cho biết sở dĩ TP chấp thuận điều chỉnh tăng vốn cho hai dự án đại lộ Đông - Tây và cải thiện môi trường nước TP vì giá vật liệu xây dựng năm 2007-2008 tăng cao và chủ đầu tư (UBND TP.HCM) cùng các nhà thầu xây dựng có điều chỉnh giá phù hợp.
Riêng dự án đại lộ Đông - Tây đã phát sinh thêm một số hạng mục xây dựng đường ở phía Q.2. Cụ thể, lúc đầu đại lộ Đông - Tây được thiết kế 10 làn xe, sau đó đơn vị quản lý khu đô thị Thủ Thiêm đề nghị điều chỉnh lên 14 làn xe cho phù hợp với khu đô thị mới Thủ Thiêm đã quy hoạch và sẽ được xây dựng trong tương lai.
Dự án đại lộ Đông - Tây được sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đại lộ Đông - Tây và môi trường nước TP làm đại diện chủ đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 660,6 triệu USD, tương đương 9.863 tỉ đồng. Mục tiêu chính là khôi phục, nâng cấp tuyến đường hiện hữu (Bến Chương Dương, Bến Hàm Tử, Trần Văn Kiểu) và xây dựng thêm tuyến đường mới ra vào phía nam TP theo hướng đông - tây.
Công trình có tổng chiều dài 21,8km đi qua các quận 1, 2, 4, 5, 6, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh, mặt đường được mở rộng từ 42-100m (tùy theo đoạn). Trong đó, bao gồm 1,49km hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn, xây dựng 15 cầu mới, cải tạo ba cầu cũ, xây dựng năm nút giao thông và xây mới 12 cầu bộ hành.
Dự án đã khởi công từ tháng 4-2005 và đến tháng 9-2009 hoàn thành giai đoạn 1 tuyến đường phía tây TP dài 13,4km từ cầu Calmette (Q.1) đến quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh).
Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM - lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và kênh Đôi - kênh Tẻ giai đoạn 1 nhằm chống ngập nước cho khu vực các quận 1, 3, 5, 10 và 11. Trong đó, giải quyết những vùng trũng ngập nước thường xuyên khi nước triều lên như bến Mễ Cốc (Q.8), Thanh Đa (Q.Bình Thạnh). Đồng thời, dự án nạo vét các kênh và làm kè bờ kênh Tàu Hủ, Bến Nghé, tạo cảnh quan sạch đẹp hai bên bờ kênh.
Công trình giải quyết ô nhiễm môi trường cho các tuyến kênh Tàu Hủ, Bến Nghé, kênh Đôi và kênh Tẻ ở các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh.
Dự án có tổng vốn đầu tư 270,3 triệu USD (tương đương 4.163 tỉ đồng). Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ thực hiện trong thời gian năm 2004-2008.
Cuối năm 2008, UBND TP đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh tiến độ dự án, trong đó gói thầu C “Xây dựng tuyến cống bao, trạm bơm chuyển tiếp nước thải, cung cấp thiết bị thau rửa” được điều chỉnh kéo dài thêm gần một năm, sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8-2010. Đồng thời xác định thời gian bảo hành dự án và việc giải ngân sẽ được tiếp tục đến cuối tháng 8-2013.
Theo UBND TP, sở dĩ cần điều chỉnh thời gian thực hiện dự án vì trong quá trình thực hiện gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, di dời các công trình và đã xảy ra một số sự cố trong quá trình triển khai các gói thầu xây lắp làm ảnh hưởng chung đến tiến độ của dự án.
UBND TP.HCM thuận ủng hộ Công ty TNHH Tiến Phước về nguyên tắc chủ trương đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng giai đoạn 2 Khu công nghệ cao TP bằng hình thức “xây dựng - chuyển giao” (BT). Đây là kết luận của Phó chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài về đầu tư xây dựng một số dự án hạ tầng của khu.
DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO