Top

Báo động về môi trường nhà ở Hà Nội

Cập nhật 07/07/2007 14:00

Ngày 4/7, Trung tâm nghiên cứu và truyền thông các vấn đề môi trường tổ chức Hội thảo “Nhà ở và môi trường cơ bản đối với cư dân Hà Nội”. Những số liệu về thực trạng môi trường các khu nhà ở trên địa bàn Hà Nội được công bố tại Hội thảo cho thấy hầu hết các khu dân cư ở Hà Nội đang phải sống trong những điều kiện không đảm bảo về vệ sinh môi trường, thiếu nước sinh hoạt và ứ đọng chất thải.

Hà Nội là một đô thị đang phát triển với tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá nhanh chóng. Làn sóng di cư ngày càng mạnh từ nông thôn vào thành phố để kiếm việc làm, dẫn đến bùng nổ dân số và đặt ra nhiều thách thức cho các nhà quản lý đô thị trong nhiều lĩnh vực. Nhu cầu nhà ở, sử dụng năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu... ngày càng tăng, kéo theo chất lượng môi trường ngày càng xấu đi.

Bên cạnh những khu chung cư và đô thị mới hiện đại là các khu nhà ổ chuột, nhà trên và ven kênh mương, nhà lụp xụp tạm bợ, hệ thống hạ tầng thấp kém và bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tạo điều kiện cho dịch bệnh lan truyền nhanh trong cộng đồng và nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Các tham luận tại Hội thảo tập trung vào việc đánh giá hiện trạng chất lượng sống của cư dân sinh sống trong những điều kiện khác nhau thuộc các khu vực trong thành phố Hà Nội. Đồng thời đề xuất giải pháp nhằm tư vấn cho các nhà quản lý, các cấp lãnh đạo thành phố có chính sách thích hợp để cải thiện tình hình.

Hiện nội thành Hà Nội có khoảng 2,9 triệu dân sinh sống chia làm các khu vực khác nhau như: Khu phố cổ; Khu chung cư; Khu xóm liều; Khu nhà giàu; Khu làng nghề và Khu dân cư gần nhà máy xí nghiệp. Trừ khu nhà giàu, còn các khu khác đều có những bức xúc về môi trường. Khu phố cổ thì đường sá chật hẹp, hệ thống thoát nước theo mô hình xương cá, nước thải từ các hộ gia đình thoát ra hai bên mép lòng đường nên thường tắc nghẽn và gây ngập lụt khi có những trận mưa to. Hiệu suất thu gom rác thải mới chỉ đạt 70-75%. Lượng rác còn lại là địa điểm trú ngụ, sinh sản của nhiều vật chủ trung gian truyền bệnh cho người như chuột, ruồi, gián...

Khu chung cư thì nước sinh hoạtmới chỉ đáp ứng được 40-50% nhu cầu sử dụng của nhân dân, do đó đa số người dân đã tự cải tạo, lắp đặt hệ thống mới phía ngoài nhà, dọc hành lang và tự lấy nước từ ống dẫn nước chính. Hệ thống thoát nước của khu tập thể 100% các đường ống dẫn nước thải bằng sành nay đã bị vỡ và rỉ qua các mối nối. Các nhà cơi nới diễn ra phổ biến, xây đè lên hệ thống cống ngầm, gây khó khăn cho việc nạo vét thường xuyên. Hệ thống bể tự hoại do lâu ngày không được nạo vét định kỳ nên hàm lượng bùn lắng cao, giảm khả năng tự phân huỷ.

Khu xóm liều nhà ở rất đa dạng về chủng loại (nhà cấp bốn, nhà bán kiên cố, nhà kiên cố) nhưng giống nhau ở một điểm là thiếu ánh sáng mặt trời, tối tăm, ẩm thấp, thường xuyên thiếu không khí trong lành. Hệ thống hạ tầng chắp vá, đường đi mấp mô, hẹp, nhiều ổ gà, xe cứu hoả không vào được và thường xuyên bị lầy lội, ngập úng sau những trận mưa nhỏ. Việc cung cấp nước sinh hoạt chỉ đạt 60-70%, số còn lại chủ yếu sử dụng nước giếng khoan. Hệ thống thoát nước thải yếu kém, đa số là những rãnh nổi thoát nước, bị bùn vùi lấp sau mỗi trận mưa nên đã gây úng ngập.

Khu làng nghề, nhà ở hầu hết là cấp bốn (mái ngói), có một số ít là cấp ba (từ 2-3 tầng). Thông thường diện tích một hộ là 50 mét vuông. Khu làng nghề tuy không chật chội, thiếu ánh sáng, không khí nhưng lại rất ẩm thấp và không hợp vệ sinh. Đặc biệt khu này nổi lên tình trạng ô nhiễm nước, tiếng ồn và không khí. Nước thải tại khu vực sản xuất không qua xử lý, được đổ thẳng vào cống rãnh chung của làng. Quá trình nung nấu nguyên vật liệu trong sản xuất làm toả nhiều nhiệt và gây mùi khó chịu làm ảnh hưởng đến người dân, nhất là công nhân trực tiếp sản xuất. Tiếng ồn từ động cơ máy móc, từ xe chở nguyên vật liệu vào ra... làm ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân.

Khu dân cư gần nhà máy, xí nghiệp cũng chịu những tác động môi trường tương tự như khu làng nghề. Nhà ở khu này là kiểu nhà tập thể đã xuống cấp, tại đây điều kiện sinh hoạt rất khó khăn: thiếu ánh sáng, không khí, chật chội và ẩm thấp. Đa số các gia đình đều dùng bếp than tổ ong để đun nấu cho nên vấn đề không khí là rất nan giải. Các công trình vệ sinh dùng chung gây bất tiện và mất vệ sinh. Nước sinh hoạt của các khu này cũng rất thiếu, chủ yếu dùng giếng khoan, do vậy không đảm bảo, nước thường có mùi tanh, vị chát. Khu vực này nhiều khí thải độc hại như SO2, CO, NO... gây nhiều bệnh về đường hô hấp và hệ thần kinh. Về tiếng ồn thì khủng khiếp, người dân ở đây cho biết “ngày nào cũng có cảm giác điếc tai”.

Điểm qua tình hình các khu đô thị trong nội thành Hà Nội có thể thấy nổi lên nhiều bức xúc về môi trường cần phải giải quyết. Các nhà khoa học dự hội thảo nhất trí đây là việc lớn, mất nhiều thời gian và tiền bạc, do vậy không thể giải quyết dứt điểm ngay được mà phải làm từng bước, cải tạo dần.

Trước mắt thành phố cần đẩy nhanh tiến độ công tác cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, tập trung giải quyết dứt điểm việc hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng theo quyết định 20/2000/QĐ-TTg. Cải tạo công tác cấp giấy phép xây dựng, đơn giản hoá thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi đối tượng có nhu cầu xây dựng, cải tạo phát triển nhà ở theo quy hoạch được cấp phép dễ dàng, nhanh chóng.

Thành phố cần chủ động và nhanh chóng xây dựng các quy hoạch chi tiết, tổ chức hướng dẫn người dân xây dựng theo quy hoạch, đặc biệt là xây dựng hạ tầng cơ sở các tuyến đường, hệ thống cấp thoát nước, nhà xưởng, làng nghề... Cần huy động sức mạnhcủa người dân theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cần phải mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn sự phát triển vô tổ chức, không theo quy hoạch các khu nhà ở ngõ ngách, tạm bợ ở các xóm liều và tình trạng cơi nới tự do ở các khu chung cư gây mất mỹ quan đô thị.

Cuối cùng là thành phố phải tổ chức cuộc tổng điều tra toàn diện các khu nhà trên địa bàn về diện tích từng nhà, số người, nguyện vọng, khả năng kinh tế của từng gia đình. Trên cơ sở điều tra lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng lại từng khu.

Duy Hữu - Theo VnMedia