Đề xuất thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ người mua nhà và cả doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội.
“Dù nhà có rẻ đến mấy thì người thu nhập thấp cũng không thể trả tiền ngay một lần nếu không vay được vốn ngân hàng. Còn nhà đầu tư nào cũng mong thu hồi vốn nhanh nên không muốn bán nhà trả góp. Do đó, nếu chỉ tạo điều kiện cho bên cung mà không kết hợp tạo điều kiện cho bên cầu thì rất khó phát triển nhà ở giá thấp”. Ông Phạm Sĩ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phân tích tại hội thảo Giải pháp phát triển nhà ở xã hội do Hiệp hội Các đô thị Việt Nam tổ chức ngày 22-7.
Ưu đãi cho người mua nhà
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng hiện chỉ các doanh nghiệp xây dựng nhà giá thấp được hưởng ưu đãi trong khi chúng ta lại quên mất một đối tượng rất quan trọng là người mua nhà. Điều này dẫn đến việc trên thị trường nhà giá thấp, cung và cầu chưa “gặp” nhau.
Theo ông Liêm, cần tạo điều kiện cho người thu nhập thấp mua nhà bằng cách: Khi đã tích lũy một phần tiền bằng 20% giá nhà, họ sẽ được ngân hàng chính sách cho vay thêm để đủ trả tiền mua nhà một lần. Đó là khoản vay dài hạn, lãi suất thấp và được thế chấp bằng chính căn nhà đó. “Việc tạo điều kiện về vốn cho người mua nhà có đủ khả năng chi trả sẽ giúp lượng cầu tăng lên, khi đó thị trường sẽ tự tăng khả năng cung để đáp ứng. Do đó, phương thức này gần với thị trường hơn” - ông Liêm chỉ rõ.
Một vấn đề được quan tâm nữa là hiện việc xác định đối tượng có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở đang bị vướng do chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, nhiều người thuộc diện được mua nhà nhưng đành bó tay vì không “qua” được các thủ tục chứng minh mình là đối tượng được mua nhà giá thấp.
Nhà giá thấp ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Vân |
Để gỡ vướng, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ có thông tư hướng dẫn theo hướng người thu nhập thấp là người không phải đóng thuế thu nhập, cụ thể là có mức thu nhập từ 4 triệu đồng/tháng trở xuống, có xác nhận của đơn vị công tác. Người có khó khăn về nhà ở là người có diện tích ở trung bình dưới 5 m2/người, được UBND phường-xã xác nhận. “Doanh nghiệp có nhà giá thấp được chọn bán thẳng nhà cho những người thuộc đối tượng này” - ông Nam nói.
Khó về quỹ đất và vốn
Theo ông Nguyễn Trần Nam, việc phát triển nhà ở giá thấp đang gặp khó về quỹ đất và vốn. Dù đã có quy định chính quyền cấp tỉnh, huyện phải dành quỹ đất để xây nhà ở xã hội khi lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị… nhưng hầu hết các địa phương không thực hiện. “Tới đây, các địa phương khi làm quy hoạch phải phân định rõ nơi nào là đất làm nhà ở thương mại, nơi nào là đất dành để xây nhà cho người thu nhập thấp” - ông Nam cương quyết.
“Thực tế cho thấy vừa qua một số chủ đầu tư sớm xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là do có sẵn quỹ đất đã giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng trong các dự án đã có của chủ đầu tư” - ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn HUD Holdings, cho biết.
Cái khó thứ hai trong việc phát triển nhà ở giá thấp hiện nay là doanh nghiệp thiếu vốn. Hiện vốn vay được ở ngân hàng chỉ là ngắn hạn, lãi suất cao, lại khó vay. Trong khi đó, nếu xây nhà giá thấp theo hình thức cho thuê mua thì thời gian thu hồi vốn rất dài, thường 10-15 năm kể từ khi ký hợp đồng thuê mua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chủ đầu tư không mặn mà với nhà giá thấp.
Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam đề xuất giải pháp thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà ở. “Cả nước có 9 triệu người đi làm có lương sẽ đóng góp 1% lương tháng vào quỹ. Với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng, mỗi tháng một người chỉ đóng 30.000 đồng vào quỹ. Số tiền này sẽ được dùng cho người thu nhập thấp vay mua nhà và cho doanh nghiệp vay làm nhà giá thấp” - ông Nam nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP