Top

Thị trường bất động sản phục hồi mạnh

Cập nhật 09/07/2010 08:10

Vốn đầu tư vào thị trường bất động sản tiếp tục tăng mạnh với dư nợ tín dụng tính đến đầu năm 2010 tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.


Ảnh: Chinhphu.vn

Ngày 8/7, Ban chỉ đạo Trung ương về Chính sách nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) đã họp kỳ thứ 5 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Cuộc họp rà soát lại hoạt động và kết quả một loạt các lĩnh vực quản lý, phát triển nhà ở, thị trường BĐS, tình hình sử dụng đất phi nông nghiệp, hệ thống thuế, tín dụng đối với thị trường bất động sản, các chương trình nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp, xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, nhà ở cho cán bộ công chức,…

Vốn đầu tư vào thị trường BĐS tăng mạnh

Theo báo cáo tổng hợp, tình hình thị trường BĐS thời gian qua có nhiều tín hiệu tích cực, hồi phục mạnh.

Vốn đầu tư vào thị trường tiếp tục tăng mạnh bất chấp tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Dư nợ cho vay tín dụng tính đến đầu năm 2010 đạt 218.899 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng thời điểm năm trước, vốn FDI đăng ký năm 2009 đạt 7,6 tỷ USD, chiếm hơn 1/3 tổng vốn FDI cả nước.

Nhu cầu về BĐS phục vụ du lịch tăng mạnh. Theo đánh giá, các cơ sở lưu trú cần đầu tư tăng thêm 22.000 phòng mỗi năm. Tương tự là đất cho phát triển hạ tầng các khu và cụm công nghiệp tiếp tục tăng cao trên phạm vi cả nước. Các hoạt động hỗ trợ thị trường như Sàn giao dịch, môi giới BĐS đã dần hình thành, bắt đầu công khai, minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, các chương trình, dự án nhà ở chính sách thời gian qua đã có bước phát triển mới.

Sau một năm thực hiện Nghị quyết số 18/2009/NQ-CP của Chính phủ, đã có 24 dự án nhà ở công nhân KCN được khởi công với tổng vốn đầu tư 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích 753.000 m2, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 công nhân lao động tại các KCN.

Cũng trong thời gian trên, có 33 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp đã được triển khai với tổng vốn đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 655.000 m2, dự kiến góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 55.000 người.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đến thời điểm này cũng đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1. Hoàn thành toàn bộ công tác tôn nền, đắp bờ bao cho 798 dự án, xây dựng xong 95.178 ngôi nhà, đạt tỷ lệ gần 90% và bố trí được trên 132.000 hộ dân vào ở. Các công trình giao thông, cấp, thoát nước, điện sinh hoạt đã hoàn thành từ 89-95%.

Một loạt các cơ chế, chính sách được khơi thông khi Bộ Xây dựng, Ngân hàng phát triển Việt Nam triển khai thí điểm cho vay ưu đãi đối với một số dự án nhà ở chính sách, xây dựng đồng bộ các công trình phúc lợi xã hội cho dân ở các vùng tái định cư.

Tạo khung pháp lý lành mạnh hóa thị trường

Khi nhìn nhận những tín hiệu tích cực của thị trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng các thành viên Ban chỉ đạo đã phân tích kỹ và xác định các giải pháp khắc phục những tồn tại, nhược điểm trong quản lý thị trường BĐS, đôn đốc triển khai các chương trình, đề án nhà ở cho các đối tượng.


Vốn đầu tư vào thị trường BĐS tăng mạnh.

Nhiệm vụ chính được xác định là các cơ quan quản lý cần tập trung, phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện các cơ chế, chính sách quan trọng, sớm tạo ra điều kiện cần thiết để đẩy mạnh triển khai các chương trình nhà ở, lành mạnh hóa thị trường BĐS.

Theo đó, cần sớm xây dựng cơ chế tài chính do thị trường BĐS vẫn đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn ngân hàng. Các chính sách này cần linh hoạt, vừa đảm bảo không tạo ra bong bóng trên thị trường, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng. Đồng thời, cần bổ sung, sửa đổi một số cơ chế, chính sách về xây dựng, tài chính để tháo gỡ vướng mắc cho DN chuyên doanh.

Trong trung và dài hạn, nghiên cứu thí điểm thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Nghiên cứu thí điểm thành lập mô hình Quỹ đầu tư tín thác BĐS nhằm đa dạng hóa hình thức giao dịch trên thị trường.

Tiếp túc đẩy mạnh công khai hóa trong các hoạt động kinh doanh BĐS thông qua hệ thống thông tin quy hoạch cụ thể, chi tiết, đồng thời chuẩn hóa các điều kiện tiếp cận thị trường để các DN kinh doanh tiếp cận thông tin về BĐS một cách bình đẳng, công khai, minh bạch.

Đối với các chương trình mục tiêu hỗ trợ nhà ở, tiếp tục đẩy mạnh các hình thức huy động đa dạng hóa nguồn lực triển khai, thiết lập mô hình quản lý và triển khai thực hiện các chương trình nhà ở xã hội để đảm bảo cả hiệu quả kinh tế lẫn hiệu quả xã hội. Các dự án nhà ở cần có cơ cấu hàng hóa phù hợp về diện tích cũng như giá cả đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Website Chính Phủ