Nhiều người nước ngoài, Việt kiều thắc mắc chuyển tiền vào Việt Nam để mua nhà thì dễ nhưng khi bán nhà liệu có được đem tiền đi thuận lợi hay không.
Tại hội thảo Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam, do báo Thanh Niên tổ chức ngày 14-9, các chuyên gia đều cho rằng: Luật Bất động sản (BĐS) sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7 là cú hích mạnh mẽ cho thị trường này, đặc biệt là việc cho phép người nước ngoài, Việt kiều mua nhà. Thế nhưng đến nay, sau hơn hai tháng kỳ vọng, cú hích ấy được cho là khá chậm chạp do vẫn còn vướng nhiều thủ tục hành chính, pháp lý và thiếu văn bản hướng dẫn.
Việt kiều khao khát được mua nhà
Chia sẻ tại hội thảo, một Việt kiều đến từ Nhật Bản cho biết người Việt sống ở Nhật đều khao khát mua nhà ở Việt Nam. Hầu hết những người ở độ tuổi từ 50 mong muốn trở về làm việc và sống hết đời tại Việt Nam. Đây là khao khát và mong ước có thật từ nhiều năm nay.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận rằng phân khúc BĐS cho người nước ngoài và Việt kiều đầy tiềm năng. Số người có nhu cầu đầu tư, mua nhà để ở khi về hưu thực sự rất lớn.
Một chủ đầu tư đang giới thiệu với khách hàng mua nhà đến từ Hong Kong. Ảnh: yên Trang
|
Ông Hiển dẫn số liệu thống kê cho thấy cộng đồng người Việt ở nước ngoài có khoảng 4,5 triệu người, trong đó có hơn 2 triệu người tại Mỹ. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 80.000 người Hàn Quốc đang sống và làm việc tại Việt Nam. Đó là chưa kể riêng tại TP.HCM đã có khoảng 30.000 nhà quản lý và các chuyên gia đang làm việc với nhu cầu mua nhà rất lớn.
“Dù thị trường này được cho là rất hấp dẫn do nhu cầu cao nhưng sản phẩm BĐS để phục vụ cho đối tượng này còn thiếu. Ví dụ tại TP.HCM có khoảng 4.000 căn là quá ít” - ông Hiển nói.
Ở góc độ khác, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, phân tích với khoảng 4,5 triệu kiều bào, trong đó có khoảng 500.000 người đang có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam để sống những năm tháng tuổi già. Điều đáng lưu tâm hơn nữa là tổng thu nhập của Việt kiều lên tới khoảng 100 tỉ USD và đây là phân khúc lớn.
Ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược tại Việt Nam-Canada, nói từ tám đến 10 năm trước, nhu cầu mua nhà ở hay đầu tư vào BĐS tại Việt Nam đã rất cao.
“Hiện có hai đối tượng: Thứ nhất là các công ty muốn đầu tư BĐS ở Việt Nam dạng mua sỉ cả cao ốc văn phòng hoặc cả một dự án… Đối tượng thứ hai là khách hàng lẻ, trong đó có Việt kiều, người nước ngoài muốn định cư tại Việt Nam. Nhu cầu này là có thật nhưng khi tiếp cận thực tế họ luôn gặp các trở ngại, vướng mắc về thủ tục” - ông Robert Trần cho biết.
Đòi phải có bảo hiểm đất
Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay đối với người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam, theo ông Hiếu là việc bảo hiểm quyền sử dụng đất đai.
“Tại Mỹ và khu vực châu Âu, người dân thường tới ngân hàng vay tiền để mua nhà chứ không dùng tiền tiết kiệm để mua. Ngân hàng ở Mỹ thì sẵn sàng cho vay với điều kiện phải có bảo hiểm quyền sử dụng đất đai. Với điều kiện này, trong tương lai nếu có tranh tụng mà người mua nhà thua kiện thì bảo hiểm sẽ lo cho họ. Vậy nên người Mỹ hay ở châu Âu khi mua nhà ở Việt Nam sẽ nghĩ đến việc vay ngân hàng ngoại tại Việt Nam. Và ngân hàng ngoại cũng sẽ đòi có bảo hiểm quyền sử dụng đất đai mới cho vay vốn. Trong khi hiện nay tại Việt Nam chưa có hãng bảo hiểm quốc tế nào làm điều này (bảo hiểm quyền sử dụng đất đai). Lý do là chúng ta quy định đất là sở hữu toàn dân… Tôi cho rằng đây là nút thắt rất lớn trong vấn đề người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam” - ông Hiếu phân tích.
Một rào cản khác, theo ông Đặng Chính Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh Miền Nam, là quy định người nước ngoài không được trực tiếp đăng ký thuê bao đồng hồ điện, không được vay vốn ngân hàng... Điều này đang cản trở và làm giảm tính hấp dẫn của thị trường BĐS đối với người nước ngoài.
Mặt khác, những giới hạn về quy định số lượng nhà mà người nước ngoài được sở hữu hay số lượng người nước ngoài ở tại một phường cũng gây khó khăn với những dự án tốt trong khi nhu cầu ở các vị trí này khá cao. Chẳng hạn tại dự án Saigonres Plaza (quận Bình Thạnh, TP.HCM), hiện nay chỉ mới mở bán đợt đầu nhưng có tới 10% là Việt kiều và người nước ngoài đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc… mua.
“Do vậy, theo tôi cần nâng tỉ lệ % cho người nước ngoài mua ở cùng một dự án cũng như trong một phường” - ông Thắng đề xuất.
Chủ tịch Công ty Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát Nguyễn Dư Lực nêu thực tế tại một số dự án đã bán, có nơi chiếm tới 40% người nước ngoài thuê và nhiều người có nhu cầu mua. Tuy nhiên, theo ông Lực, với bất kỳ công ty nào muốn đẩy mạnh phân khúc khách hàng này cũng cần phải chuẩn bị một đội ngũ giỏi về ngoại ngữ, phương thức bán hàng mới…
“Thêm nữa, người nước ngoài rất quan tâm tới việc liệu họ có được vay vốn ngân hàng, hay việc chuyển ngoại tệ vào Việt Nam để mua nhà thì dễ nhưng khi bán nhà có được đem ngoại tệ đi một cách thuận lợi hay không. Điều này đến nay vẫn chưa được làm rõ ”.
Dự kiến trong tháng 9 này cơ quan chức năng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh BĐS, trong đó có hướng dẫn cụ thể các thủ tục và điều kiện cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà.
Quan tâm đến an toàn
Chúng tôi có khảo sát người nước ngoài, Việt kiều và nhận thấy họ thực sự quan tâm đến mức độ an toàn, an ninh cũng như các tiện ích trước và sau khi nhận nhà tại Việt Nam.
Ông NGUYỄN DƯ LỰC, Chủ tịch Công ty Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP