Top

Tạo điều kiện để kiều bào sở hữu nhà tại Việt Nam

Cập nhật 29/08/2015 08:09

Luật Nhà ở năm 2014 cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, cũng như có những quy định thông thoáng hơn để khuyến khích kiều bào được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, Văn phòng Đăng ký đất đai TP HCM vẫn chưa có hồ sơ nào được giải quyết theo các quy định của luật mới, vì sao?


Ảnh: Hồng Phúc

Theo ước tính, hiện có khoảng 4,2 triệu người Việt học tập, sinh sống ở các nước trên thế giới, trong đó có đến 1/2 sống ở Mỹ. Do đó, chính sách sở hữu nhà ở mới (Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ 1/7/2015) được ban hành có triển vọng rất lớn khi đáp ứng nguyện vọng của nhiều người nước ngoài và kiều bào đang có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), luật mới hiện hành quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thông qua các hình thức đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án; Mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

Có rất nhiều hình thức mà kiều bào được mua và sở hữu nhà ở trong nước, và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại tại Việt Nam.

Tuy nhiên, đơn cử như việc xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay cũng còn mông lung. Theo quy định hiện hành thì cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài là Sở Tư pháp cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ông Lê Hoàng Châu, căn cứ để xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, CMND, hộ khẩu... Do hoàn cảnh lịch sử của đất nước, có nhiều người Việt Nam ở nước ngoài nay không còn lưu giữ được hồ sơ hộ tịch, nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc cũng không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước.

Do vậy, cần phải có giải pháp phù hợp để xử lý các trường hợp nêu trên để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội được mua và sở hữu nhà.

Cũng theo ông Châu, thời điểm trước tháng 5/1975, ở các tỉnh, thành phía Nam có phương thức Tòa án Dân sự được ra “án thế vì khai sinh” trên cơ sở khai trình của những người có liên quan. Trong đó, có hai nhân chứng có tuyên thệ, cam kết chịu trách nhiệm, để xử lý các trường hợp chưa có khai sinh hoặc không thể về quê gốc để trích lục khai sinh.

Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, HoREA đề nghị bổ sung chế định giao cho Tòa Dân sự thẩm quyền ban hành “án thế vì khai sinh” để giải quyết hợp pháp hóa các trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc, trong đó có mục đích nhằm xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài để góp phần thực hiện đầy đủ quy định của Luật Nhà ở 2014 cho phép người Việt Nam ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà như người trong nước.

“Chúng tôi đang đề nghị cho các cơ quan là UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP.Hà Nội và TP.HCM là những cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài”, ông Châu nhấn mạnh.

Đối với quy định cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại các dự án nhà ở thương mại khi được phép nhập cảnh vào Việt Nam, các thành viên HoREA cho rằng, việc dự thảo mới nhất quy định trường hợp bán hoặc tặng cho nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bên mua, bên nhận tặng cho chỉ được sở hữu nhà ở trong thời hạn còn lại.... Quy định này chưa phù hợp và không đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người nước ngoài khi mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Hiệp hội đề nghị cho tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được quyền sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa 50 năm. Cũng tương tự như trường hợp quy định cho phép cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư nước ngoài khi mua lại nhà ở của người nước ngoài thì được sở hữu nhà ở ổn định lâu dài, để đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Trong kiến nghị Bộ Xây dựng và Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, HoREA cũng đề nghị khi được gia hạn quyền sở hữu nhà ở thì tổ chức, cá nhân nước ngoài không phải chịu thêm chi phí nào khác ngoài lệ phí hành chính. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng cần thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Theo ông Trần Hòa Phương - Phó Chủ nhiệm UB Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, thời gian qua, kiều bào cũng đã bày tỏ sự quan tâm, phấn khởi khi Luật Nhà ở mới có hiệu lực. Theo ông Phương, nếu như trước đây Việt kiều muốn sở hữu nhà thì phải nhờ người thân ở Việt Nam đứng tên mua nhà đất thì nay hoàn toàn có thể đứng tên trên các giấy tờ thuê, mua nhà ở trong nước. Tuy nhiên, để Luật Nhà ở 2014 sớm đi vào thực tế thì cần sớm có Nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể để cho người nước ngoài và kiều bào mua nhà, đầu tư sinh sống tại Việt Nam. 

DiaOcOnline.vn - Theo Đại Đoàn kết