Top

Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi): Cơ hội sở hữu bất động sản phù hợp

Cập nhật 26/03/2014 11:04

Dự thảo (sửa đổi) Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) đã được nghiên cứu, bổ sung những nội dung mới bảo đảm việc đầu tư kinh doanh BĐS phải tuân thủ đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; khắc phục tình trạng đầu tư BĐS tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu “hàng hóa” BĐS, nhất là nhà ở trong những năm vừa qua. Đây là một trong những điểm mới trong Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) đã được đông đảo các tổ chức và chuyên gia đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đi thăm dự án nhà ở xã hội của Tổng Công ty Viglacera tại Từ Liêm, Hà Nội.

Trong dự thảo Luật, Bộ Xây dựng còn đề xuất cho tổ chức, cá nhân người việt ở nước ngoài (Việt kiều) được kinh doanh BĐS bằng các hình thức: Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại. Tuy nhiên, trong trường hợp chủ đầu tư là Việt kiều đầu tư, kinh doanh nhà ở tại Việt Nam, nhiều người vẫn băn khoăn về chuyện tách bạch trách nhiệm pháp lý đối với sản phẩm địa ốc.

Dự thảo luật cũng không quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS nhằm khắc phục các tác động tiêu cực của tổ chức trung gian này đối với thị trường BĐS, cũng như tránh việc tăng giá ảo, tăng chi phí và gây thiệt hại cho người mua...

Việc cho Việt kiều kinh doanh BĐS, ông Lê Hoàng Châu Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM nhìn nhận: Cho phép người nước ngoài mua nhà hạng sang tại Việt Nam theo các khu vực được cho phép là thực hiện xuất khẩu tại chỗ, tạo công ăn việc làm và không cạnh tranh với người thu nhập thấp trong nước về nhà ở và góp phần giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc nhà ở hạng sang hiện nay.

Thực tế, người nước ngoài sống làm việc tại Việt Nam rất đông và ngày càng tăng, xu thế một bộ phận người nước ngoài (không thường xuyên làm việc, sinh sống tại Việt Nam) muốn mua nhà tại Việt Nam để nghỉ dưỡng cũng tăng. Được biết, hiện có khoảng 140.000 người Hàn Quốc ở Việt Nam, trong đó khoảng 80.000 người ở TP HCM và hàng chục ngàn người Nhật, Philippinnes… Do vậy nhu cầu sở hữu nhà là rất lớn.

Đồng tình với quan điểm không bắt buộc giao dịch BĐS phải qua sàn, ông Lý Văn Minh, ngụ Q.3 cho biết: Bỏ quy định không bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn là hợp lý bởi vì thực tế rất nhiều trường hợp mua bán nhà cửa chỉ cần qua công chứng là xong giao dịch.

Còn nếu qua sàn lại tốn thêm một khoản phí, từ đó gây khó khăn trong giao dịch do tâm lý một số người ngại tới sàn giao dịch BĐS. Không bắt buộc giao dịch qua sàn là tăng thêm cơ hội cho nhiều người có thể sở hữu BĐS phù hợp với khả năng và điều kiện, hoàn cảnh tài chính của mỗi cá nhân.

Để minh bạch thêm cho thị trường BĐS, theo TS Trần Du Lịch – chuyên gia kinh tế “Cơ quan soạn thảo Luật kinh doanh BĐS cần rà soát toàn bộ thị trường BĐS và các Dự án Luật khác để đồng bộ và lành mạnh hóa thị trường BĐS, trong đó đặc biệt là các định chế tài chính để giảm đi các nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp, hướng tới đầu tư chuyên nghiệp của các định chế tài chính”.


DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng