Top

Dự án 7 tỉ USD:Bỏ quên 2 vạn dân chưa đưa vào qui hoạch!

Cập nhật 16/10/2007 13:00

Sau gần một tháng triển lãm dự án qui hoạch phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội do tổ dự án Hà Nội - Seoul đưa ra đã được đông đảo dư luận chú ý. Các phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Đức Hải - viện trưởng Viện Qui hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng). Ông Hải nói:

- Đồ án họ đưa ra gồm bốn phân đoạn, trong đó phân đoạn 4 chúng tôi có ý kiến nhiều nhất. Vì nguyên tắc của họ là nắn đê ra ngoài để khai thác quĩ đất đồng thời bảo vệ dân, khắc phục ngập lụt nhưng lại bỏ quên mất... hai vạn dân ở phân đoạn R4 thuộc huyện Thanh Trì và Hoàng Mai, gồm phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai) khoảng 7.000 dân, xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc (Thanh Trì) khoảng 13.000 dân.

Nếu tuyến đê này được nắn đúng theo tiêu chí, không những có thể bảo vệ hai vạn cư dân hiện có mà còn tạo quĩ đất khoảng 2.000ha, gấp 1,5 lần quĩ đất toàn tuyến đạt được. Ngoài ra, trong nghiên cứu đề xuất Khu công nghiệp Gia Lâm (khu L4) cũng không hợp lý, cần phải xem xét lại...

Tất cả những vấn đề trên Viện Qui hoạch đô thị - nông thôn đã cảnh báo và làm việc với họ ba lần. Thậm chí có văn bản đưa sang nhưng họ chưa sửa chữa. Hai vạn dân ở đây không hề được họ điều tra hiện trạng. Và khi đem ra triển lãm cũng không nhắc đến vấn đề này, tôi nhắc lại đây là lỗi rất lớn mà chính quyền thành phố phải nhắc nhở!



TS Lưu Đức Hải, viện trưởng
Viện Qui hoạch đô thị - nông
thôn: "Họ đã quên hai vạn dân
hiện đang sinh sống trong
vùng dự án!"

* Ông đánh giá như thế nào về qui hoạch cơ bản khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội dài 40km (còn gọi là dự án 7 tỉ USD)?

- Với mục tiêu chỉnh trị thủy chế sông Hồng, an toàn dân cư, khai thác và phát triển quĩ đất, cảnh quan ven sông, cải thiện giao thông đường bộ cũng như đường thủy qua Hà Nội, cơ bản các nội dung đề xuất là phù hợp. Tuy nhiên đối với dự án này, vấn đề an toàn dân cư cần phải đặt lên hàng đầu. Tiếp đó là khi đền bù, di dời dân cư trên qui mô lớn cần phải nghiên cứu kỹ cho phù hợp với điều kiện của VN trong từng giai đoạn.

Thật ra ý tưởng qui hoạch công viên cây xanh hai bên bờ sông Hồng có từ rất lâu nhưng nhà dân cứ... từ từ mọc lên trong hành lang đê vì người dân thiếu chỗ ở trong khi chính quyền chưa tạo dựng được cho họ. Bên cạnh đó qui phạm pháp luật của ta vẫn chưa chặt chẽ nên tình trạng xây dựng nhà sai phép, trái phép vẫn diễn ra trong lòng đô thị và diễn ra ngay cả trong lòng sông.



Khu vực hiện có hai vạn dân
đang sinh sống bị dự án sông
Hồng “bỏ quên”. Ảnh do Viện
Qui hoạch đô thị - nông thôn
(Bộ Xây dựng) cung cấp.

* Dự án sông Hồng sẽ gặp những khó khăn gì?

- Tôi cho rằng đây cũng là một ý tưởng hay về qui hoạch cảnh quan Hà Nội mà Chính phủ rất quan tâm nhằm biến khu vực hai bên bờ sông làm công viên cây xanh. Đây là việc làm rất khó nhưng cần phải làm.

Tuy nhiên, việc chuyển những hộ dân trong đê mới và đê cũ là khó thực hiện, cần phải đánh giá đúng những khu vực nào nên chuyển, những khu vực nào không nên chuyển. Thế nhưng trong qui hoạch cơ bản không nói lên điều đó. Qui hoạch cơ bản hiện nay chỉ nêu được về mặt thủy lợi thì dòng sông được phép làm hai con đê rộng bao nhiêu để thoát được lũ lụt.
 
Họ đã chứng minh đoạn hẹp nhất là 1,1km và rộng nhất là 2,5km. Khi chứng minh được như vậy, ý tưởng của họ là chuyển con đê mới vào trong thay thế con đê cũ để tạo ra một quĩ đất và lấy quĩ đất ấy để phát triển đô thị.

Vấn đề đáng quan tâm nữa là: chủ dự án thế nào, nhà đầu tư là ai, dự án cần di chuyển bao nhiêu hộ dân và chủ đầu tư nào chịu trách nhiệm di dời. Dân được tái định cư ở đâu, quĩ đất nào?

* Thưa ông, sau khi dự án thành phố sông Hồng được triển lãm, đã xảy ra tình trạng giá đất các khu vực này đối lập nhau ở hai bên trong đê và ngoài đê; người dân cảm thấy "bất an" khi nằm trong khu vực giáp ranh?

- Tôi biết hiện có nhiều hộ dân lo lắng nhà sửa không sửa được, bán không bán được. Người dân đã biết khu vực này đang qui hoạch nhưng cần bình tâm vì qui hoạch này chưa được duyệt thì không nên lo lắng quá.

* Xin cám ơn ông.

Theo Tuổi Trẻ