Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi - đã cho các phóng viên biết như vậy sau buổi họp lần thứ 17 của UBND TP về Dự thảo quy chế, chính sách đặc thù để cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ bị xuống cấp, diễn ra vào chiều 4 - 10.
Tại buổi họp, mặc dù đã thảo luận tới 16 lần và đã lấy ý kiến của người dân nhưng các đại biểu vẫn tranh luận sôi nổi, rà soát từng điều, khoản với mong muốn sớm ra được bản Quy chế hoàn chỉnh.
Đã đến lúc ban hành
Tại buổi họp, mặc dù còn có nhiều điều được tranh luận, song mọi ý kiến đều cho rằng đã đến lúc hoàn chỉnh và ban hành bản quy chế.
Ông Lâm Anh Tuấn - Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng cho rằng, ngoài việc áp dụng các chính sách đối với những hộ lấn chiếm tầng 1, cũng cần tính tới việc giải quyết các hộ lấn chiếm ở tầng 2, 3, 4 (tầng 1 lấn tới đâu thì tầng 2 cũng “trồng” ra tới đó), thậm chí có cả một số hộ lấn chiếm trên mái của tòa nhà nữa.
Sau khi thống nhất hầu hết nội dung của bản dự thảo, ông Trần Việt Trung - Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa, cho rằng, đối với chính sách tái định cư, cơ chế ưu đãi các hộ tầng 1, nếu không đưa ra chính sách hợp lý giữa các hộ tầng 1 và từ tầng 2 trở lên thì sẽ gặp sự cản trở từ những hộ tầng trên. Hiện đã có ý kiến của các hộ tầng trên cho rằng, hộ tầng 1 đã được hưởng nhiều ưu đãi.
Tiếp nhận một số ý kiến của người dân
Ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (TN - MT & NĐ) cho biết, Sở đã tiếp thu, chỉnh sửa một số điểm của bản dự thảo theo ý kiến đóng góp của các sở, ban, ngành và của các hộ gia đình, cá nhân. Tuy vậy, Sở vẫn phải bảo lưu một số quy định vì đã được cân nhắc trên cơ sở các văn bản pháp quy.
Một số hộ dân cho rằng, hệ số quy đổi diện tích k=1,3 cho các hộ và hệ số quy đổi cho số hộ dân tầng 1 là thấp, với lý do nhà nước cần có sự hỗ trợ nhiều hơn để các hộ (đa phần là CBCNV nhà nước hoặc đã nghỉ hưu, hoặc đang hưởng lương từ ngân sách và đời sống còn gặp nhiều khó khăn) được cải thiện chỗ ở tốt hơn. Trong khi đó, một số ý kiến lại cho rằng hệ số quy đổi diện tích tái định cư cho các hộ dân tầng 1 là quá cao do những hộ này đã được hưởng lợi quá nhiều từ thực tiễn và họ phải chấp hành quy chế.
Về 2 nhóm ý kiến này, Sở TN - MT & NĐ đề nghị giữ nguyên như dự thảo, do đã lấy ý kiến 16 lần và dự thảo đã bảo đảm cân đối, hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của người dân và lợi ích của nhà đầu tư, trong đó lợi ích của đa số cộng đồng dân cư được coi là chủ đạo.
Ngoài ra, một số hộ dân đề nghị sửa đổi Điều 22, Khoản 1 như sau: “Thành phố phê duyệt cơ chế đặc thù cụ thể cho từng dự án trên cơ sở các nguyên tắc chung của bản Quy chế này.
Đối với các dự án được UBND TP phê duyệt cơ chế, chính sách trước thời điểm Quy chế này có hiệu lực mà chưa khởi công thì thực hiện theo quy chế này. Các dự án đã triển khai được tiếp tục triển khai theo đúng cơ chế, chính sách đã được phê duyệt”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đăng Bình, để đẩy nhanh chương trình cải tạo các khu chung cư cũ trên địa bàn thành phố, đối với những dự án đã được thành phố phê duyệt, để bảo đảm tiến độ thực hiện, nên giữ nguyên như dự thảo.
Vận dụng khung chính sách tối đa cho dân
Tại buổi họp, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi, chỉ đạo Sở TN - MT & NĐ vận dụng hết khung những chính sách đã được quy định với mục tiêu chính là đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, xuống cấp nguy hiểm nhằm cải thiện chỗ ở cho người dân. Phó chủ tịch nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo cần ghi rõ nội dung đã là nhà nguy hiểm thì phải di dời ngay, đồng thời phải có quỹ nhà tạm cư để người dân ổn định cuộc sống.
Kết thúc buổi họp, Phó chủ tịch yêu cầu Sở TN - MT & NĐ căn cứ vào những ý kiến cuối cùng để hoàn chỉnh Quy chế và chuyển sang Sở Tư pháp trước ngày 10 - 10. Văn phòng UBND TP có trách nhiệm chuyển bản Quy chế hoàn chỉnh sang các lãnh đạo HĐND, UBND TP để xin ý kiến trước 15 - 10. UBND TP sẽ báo cáo Thường trực Thành ủy trước khi ban hành chính thức trong tháng 10.
Theo HaNoimoi