Top

Di dân cho 'TP sông Hồng' từ 2008

Cập nhật 13/07/2007 14:00

Theo đề xuất của các chuyên gia quy hoạch sông Hồng, nếu dự án được Quốc hội và Chính phủ thông qua, Hà Nội sẽ bắt đầu di dời 35.000 hộ gia đình, tương đương 18 vạn dân, từ năm 2008 và kéo dài đến khi dự án kết thúc vào năm 2020.

Theo đó, thành phố sẽ có 2 hình thức đền bù cho người dân phải giải tỏa, hoặc theo hình thức trả tiền trực tiếp, hoặc cho thuê lâu dài và bán chung cư cùng khu buôn bán cho các hộ.

Các chuyên gia Hàn Quốc đưa ra 2 phương án cho việc di dời 18 vạn dân hai bên sông. Theo phương án thứ nhất, Hà Nội sẽ hoàn tất việc di dời rồi mới thực hiện công trình chính và cuối cùng, chỉnh trị đô thị. Phương án này sẽ kéo dài thời gian thực hiện và gây nhiều khó khăn trong huy động tài chính.

Theo phương án thứ hai, thành phố sẽ triển khai đồng thời việc di dời dân, thực hiện công trình chính và chỉnh trị đô thị, làm đến đâu di dời dân đến đó. Theo phía Hàn Quốc, phương án này giúp rút ngắn thời gian thực hiện dự án xuống 13 năm, có nhiều thuận lợi về thu hút vốn, nhờ đó có thể hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2020. Các chuyên gia Hàn Quốc cũng đã chính thức đề nghị Hà Nội chọn phương án này.

Tại cuộc họp giữa kỳ của Tổ dự án quy hoạch sông Hồng báo cáo Chính phủ và Hà Nội về dự án, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng đã tán thành việc đẩy nhanh tiến độ và thực hiện án dự án trong 12 năm, cùng với một năm làm thủ tục, để có thể hoàn tất vào năm 2020.



Những không gian văn hóa chủ đạo của thành phố được bảo tồn.


Theo phương án đồng thời thực hiện dự án và di dân, Hà Nội sẽ di dời 35.270 hộ dân trong các năm 2008-2020, trong đó có trên 22.000 hộ tại các khu đất sẽ nhập vào khu ngoài đê, 1.700 hộ tại các vùng đất ven sông và khoảng 11.300 hộ nằm trong các diện tích cần chỉnh trị đô thị.

Việc di dời dân được chia thành 3 giai đoạn, trong đó trong các năm 2008-2012 sẽ di dời 4.500 hộ dân tại khu vực từ Chèm đến cầu Thăng Long. Tiếp đó, khoảng 23.900 hộ tại cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì sẽ phải giải tỏa trong năm 2013-2016. Giai đoạn cuối cùng sẽ di dời khoảng 6.700 hộ tại khu vực từ cầu Thanh Trì đến làng Bát Tràng.

Cũng theo đề xuất của phía Hàn Quốc, Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm về thủ tục hành chính, đền bù và di dời dân. Phần việc triển khai dự án cải tạo đô thị và chỉnh trị sông sẽ do doanh nghiệp 2 nước thực hiện theo Luật Đầu tư Việt Nam.

Dự kiến Hà Nội sẽ dành 380 ha để phát triển các khu dân cư mới, trong đó chung cư cao tầng (10-15 tầng) chiếm 50%, trung tầng (6-10 tầng) và thấp tầng (dưới 5 tầng) đều là 20% và 10% diện tích đất dành cho nhà riêng.

Theo các chuyên gia, việc quy hoạch 2 bờ sông Hồng sẽ là dự án lớn chưa từng có tại Hà Nội, có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân thành phố, nên cần có cơ chế đặc biệt để thực hiện. Nếu được Chính phủ phê duyệt, dự án sẽ khởi công vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2020.

Dự kiến đến năm 2010, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội là 2.350 USD, cần 960.000 căn nhà. Năm 2020, thu nhập bình quân sẽ tăng lên mức 6.000 USD và cần 1.270.000 nhà ở, trong đó có 90.000 căn để giải quyết cho những hộ cư trú bất hợp pháp trên diện tích lấn chiếm bờ sông. Đồng thời, thành phố cần tạo nên khu phân phối hàng đa chức năng và hình thành các khu du lịch.


Theo Ngọc Châu - Đô Thị