Dự kiến trong năm 2012, TP.HCM sẽ xây dựng xong quy định chung cho việc bảo tồn công trình kiến trúc cảnh quan.
Sau nhiều năm “nằm im”, sáng 12-1, vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc cũ đã được các sở, ngành “xới” lại tại buổi họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo chương trình bảo tồn cảnh quan kiến trúc ở TP.HCM.
Không thể muộn hơn
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP (phó ban chỉ đạo chương trình), cho biết: Trong dịp kỷ niệm TP 300 năm (1698-1998), TP.HCM có xây dựng một danh mục hơn 100 công trình cần được quan tâm bảo tồn và yêu cầu các cơ quan liên quan xây dựng quy chế bảo vệ. Tuy nhiên, kỷ niệm 300 năm xong thì vấn đề bảo tồn này cũng được… cất đi. Đến nay, bản quy chế bảo vệ vẫn còn là bản dự thảo sơ sài.
Theo ông Hòa, thời điểm đó mỗi dự án xây dựng lớn đều được xem xét, cân nhắc rất đắn đo, đồng thời vấn đề bảo tồn các công trình kiến trúc cũ vẫn chưa quá cấp thiết. Nhưng bây giờ tốc độ xây dựng đã như vũ bão, nếu không thực hiện bảo tồn thì e không kịp nữa.
Một cụm nhà cổ xây dựng theo kiến trúc Pháp trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 cần được bảo tồn.
|
Bà Nguyễn Thị Huyền Nhung, Phó phòng Văn xã (Sở Kế hoạch và Đầu tư), cho biết bây giờ mới lật lại chuyện bảo tồn thì đã muộn nhưng muộn còn hơn không. Theo bà Nhung, để bảo vệ kiến trúc cảnh quan cũ, một số trường học trong TP không được xây dựng mới mà chỉ sửa chữa, nâng nền. Thế nhưng đối với các công trình đã quá mục, không thể sửa chữa thì tính sao? Có trường cũ quá, bị sập mái của phòng thí nghiệm, may mà lúc đấy không có học sinh. Không cho xây mới nhưng để cũ đến mức sập luôn thì có bảo tồn được đâu!
Cân bằng bảo tồn và phát triển
PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa cho biết việc bảo tồn luôn mâu thuẫn với xu hướng phát triển mới, đặc biệt việc bảo tồn các biệt thự có thể gây mâu thuẫn với quyền lợi người dân. Ví dụ, chủ biệt thự cũ muốn đập biệt thự để xây cao ốc cho thuê văn phòng thì sao? Nhà nước muốn giữ biệt thự để bảo tồn kiến trúc cảnh quan thì giải quyết quyền lợi cho chủ biệt thự thế nào? Đây là một bài toán khó.
Ông Hòa dẫn chứng về vụ nhà xưởng của Ba Son. Ngày trước, không ai được vào khu Ba Son nên đâu biết trong đấy có gì. Đến khi Ba Son dời đi, chủ đầu tư muốn bỏ toàn bộ hiện trạng để xây dựng mới, có đoàn khảo sát thực địa đến xem khu đất, phát hiện hai nhà xưởng có kiểu kiến trúc đặc trưng thời Pháp, đặc biệt nhất là kết cấu thép. Hai công trình này có thể xem là quý giá ngang với cầu Long Biên ở Hà Nội. Một thành viên trong đoàn đề xuất cần bảo tồn hai nhà xưởng này để dùng cho các hoạt động xã hội. Ý kiến này vừa được đưa ra đã có người bảo rằng “tối nay về phải ra phá ngay”, sợ TP ra quyết định bảo tồn thì mất diện tích đất!
Đặc biệt, có những trường hợp chủ biệt thự, công trình cũ muốn cải tạo, xây dựng lại nhưng khi xin phép thì không được chấp nhận. Thế là họ cứ… đập phá trước rồi than là nhà đã bị sập, không xây mới không ở được. Cơ quan quản lý thấy thế cũng chấp nhận cho xây mới luôn. “Cần phải quy định nếu chủ công trình làm hư hại công trình thì bị xử phạt, đồng thời phải phục chế lại công trình chứ không chấp nhận xây mới. Có như thế mới mong bảo tồn kiến trúc được” - ông Hòa nêu ý kiến.
Một năm nữa có quy định
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, chương trình bảo tồn này là một nỗ lực lớn của TP. Ban chỉ đạo sẽ kế thừa các kết quả nghiên cứu trước đây để xây dựng quy định chung cho việc bảo tồn công trình kiến trúc cảnh quan. Từ quy định chung đó (dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2012) sẽ tiến tới xây dựng quy chế cụ thể về bảo tồn từng khu vực, từng đối tượng cho thích hợp. Đương nhiên không thể cứ công trình cũ là được đưa vào diện bảo vệ, bảo tồn. Hiện TP xác định sẽ tập trung thực hiện việc bảo tồn ở quận 1, quận 3, quận 5.
Ông Hòa cũng cho biết lâu nay người dân muốn sửa chữa biệt thự xây dựng trước năm 1930 bắt buộc phải xin phép. Nay ban chỉ đạo sẽ nghiên cứu rà soát hiện trạng, phân loại từng công trình để có hướng xử lý thích hợp. Cụ thể, sẽ xác định rõ ràng công trình nào buộc phải để nguyên, công trình nào được cải tạo hay được phép phá bỏ để xây dựng mới…
168 công trình, địa điểm được UBND TP đưa vào danh sách “có dấu hiệu đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa” (theo Quyết định số 5360/QĐ-UBND ngày 25-11-2010). UBND TP yêu cầu Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch xem xét, lập hồ sơ để công nhận di tích.
Tuy nhiên, danh mục này chỉ đề cập sơ đến con đường Tú Xương (vốn có nhiều biệt thự). Các biệt thự ở địa điểm khác không được nhắc đến. Ngoài ra, tại TP có 125 công trình, địa điểm đã được công nhận di tích và có chế độ bảo vệ theo quy định. |
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP