Top

Quyết sách dẹp chợ tạm:

Xem chợ như hình thức kinh doanh sinh lời

Cập nhật 09/07/2010 10:40

Xã hội hóa việc xây chợ là một giải pháp tích cực để góp phần giải tỏa chợ tạm.

Thời gian qua, sự phát triển của các chợ tự phát đã khiến nhiều con đường của TP trở nên nhếch nhác, ảnh hưởng rất lớn đến mỹ quan đô thị. Cạnh đó, do các chợ này hầu như chưa được quản lý chặt nên có thể xảy ra các trường hợp tranh chỗ, giành giật khách… ảnh hưởng xấu đến an ninh xã hội.

Không thể dẹp thì phải quy hoạch lại

Sự xấu xí của chợ tự phát ai cũng đã thấy rõ nhưng thực tế việc dẹp chợ lại chưa thể thực hiện do nó xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Biện pháp dẹp chợ tự phát hiện nay thường là đuổi hàng rong, tịch thu hàng, phạt hành chính người vi phạm… nhưng lại không có định hướng nhất định, lâu dài. Phương pháp này cho kết quả bước đầu là lấy lại diện tích mặt đường bị chiếm dụng nhưng lại khiến chợ tạm trở nên hỗn loạn hơn vào thời điểm kiểm tra, sau đó đâu lại vào đấy. Biện pháp ôn hòa hơn được một số địa phương áp dụng là bố trí những người buôn bán tại chợ tự phát làm những công việc khác như tạp vụ, lao công... Tuy nhiên, cách làm này cũng chưa đạt kết quả cao vì một thời gian sau nhiều người đã quay lại chợ tự phát để buôn bán.


Nếu hệ thống chợ được quy hoạch lại phù hợp với nhu cầu người dân, chợ tự phát sẽ dần biến mất. Ảnh: Sơn La

Khi đã không thể dẹp chợ tự phát, theo tôi, chúng ta bắt buộc phải quy hoạch lại hệ thống chợ của TP. Việc quy hoạch sẽ bao gồm chấn chỉnh các chợ đã có, xây thêm chợ mới, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh hợp pháp... Đối với những chợ tự phát, ta có thể tổ chức lại thành một điểm chợ có quản lý chặt chẽ để vừa tiếp tục phục vụ nhu cầu của khu dân cư đó, vừa đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị.

Một hướng khác mà các phường/xã có thể áp dụng là mô hình hợp tác xã tự quản để những người buôn bán tự quản lý nhau. Những hợp tác xã kiểu này sẽ có những nguyên tắc hội nhóm nhất định nhằm đảm bảo lợi ích và nghĩa vụ của các thành viên là ngang nhau. Như vậy, khi quyền lợi các bên được đảm bảo, cơ quan quản lý sẽ dễ chấn chỉnh các chợ tự phát hơn.

Ngoài những biện pháp trên, nhiều người thường đề cập đến giải pháp di dời các tiểu thương tại chợ tự phát vào chợ hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính quyền không thể nói di dời là di dời được, vì hầu hết những người này không đủ khả năng đóng tiền thuê sạp, hoa chi, thuế, phí vệ sinh… Khi đó, cơ quan quản lý cần có những hỗ trợ bước đầu để đảm bảo họ có thể trụ lại chợ.

Nên xã hội hóa việc xây chợ

Như đã đề cập, quy hoạch lại hệ thống chợ là một vấn đề quan trọng cần làm. Tuy vậy, các quy hoạch chợ của TP hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức chỉnh trang, nghĩa là hạ tầng đã có rồi, giờ chỉ cải tạo cho nó tốt hơn. Việc phát triển chợ hợp pháp thường gặp nhiều khó khăn, trong đó quan trọng nhất là quỹ đất của TP không dư dả để muốn làm gì thì làm. Ngoài ra, kinh phí cũng là một vấn đề nan giải do ngân sách nhà nước không thể gánh nổi việc hỗ trợ dẹp chợ tạm và đầu tư xây dựng các điểm chợ.

Để khắc phục, theo tôi, nhà nước nên xã hội hóa việc đầu tư, phát triển và quản lý chợ. Một khi đã xã hội hóa, gánh nặng kinh phí sẽ được san sẻ với các doanh nghiệp. Khi đó, chợ có thể được xem như một hình thức kinh doanh sinh lời. Một điển hình dễ thấy là thành công của hệ thống Co.op Mart. Thật ra Co.op Mart cũng chỉ là một cái chợ thôi nhưng tại sao mỗi lần họ mở thêm chi nhánh mới là nơi đó lập tức đông khách? Đó là điều chúng ta phải học hỏi.

Theo tôi, kinh nghiệm được rút ra từ thành công của hệ thống Co.op Mart là trước khi xây chợ, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ càng vị trí của chợ, nhu cầu, tâm lý mua hàng và mức thu nhập của dân cư trong khu vực. Đây là yếu tố dường như chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc xây chợ rồi bỏ hoang gây ra lãng phí trong thời gian qua.

Ths-KTS Phùng Hải Đăng,
Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP