Top

Nhạy cảm - nhạy bén

Cập nhật 08/07/2010 14:40

Nhìn toàn cảnh “bức tranh” thị trường bất động sản cả nước, chỉ một vài nơi có “gam màu nóng”, đặc biệt ở Hà Nội, còn lại đều là “màu trung tính”. Nguyên nhân là do chưa có một cách thức gì để biến giá “khung” chính thức chuyển dần về giá thị trường.

Vì thế, khung giá cao nhất do thành phố quy định là 60 triệu đồng/m2, trong khi trên thị trường giá lại lên tới 500 triệu đồng/m2. Trong một nền kinh tế thị trường, sự chênh lệch giá “một trời một vực” như thế vẫn là “đất” màu mỡ cho đầu cơ kiếm bẫm tiền.

Một giáo sư - tiến sĩ nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, người đã gắn bó mật thiết với vấn đề bất động sản, nhận định rằng, một nguyên nhân hết sức quan trọng là đến nay vẫn chưa có cơ chế tính thuế nhà đất phù hợp để vừa tạo ra hiệu quả tài chính, vừa tránh nạn đầu cơ. Cụ thể, ngay khi Luật Đất đai ra đời năm 2003, dự kiến một năm sau Luật Thuế nhà đất phải hoàn chỉnh để điều tiết và quản lý thị trường bất động sản. Tuy nhiên, đã qua 6 năm, đạo luật này vẫn đang trong giai đoạn “thảo luận” và cố gắng đưa vào thực thi năm 2012.

Theo ông giáo sư - tiến sĩ, nếu dự thảo Luật Thuế nhà đất vẫn giữ quan điểm những ai “ôm” bất động sản để chờ thời cơ kiếm lời cùng chung mức thuế như với người nghèo chỉ mua một cái nhà để ở, tức là không phân biệt những loại bất động sản khác nhau, thì khả năng giảm giá lại càng không có.

Hơn thế, mặc dù chúng ta đã nắm trong tay tất cả các đạo luật cũng như nghị định liên quan đến việc công khai hóa thị trường bất động sản, song hiện tại tính công khai của thị trường vẫn còn quá kém, thị trường ngầm vẫn phổ biến, khiến cho giá nhà đất vẫn cao ngất. Luật Đất đai có quy định, hàng năm UBND tỉnh, thành phố căn cứ vào giá trị thị trường để áp dụng khung giá đất trên địa bàn. Điền này dẫn đến tình trạng, cứ năm nay khung giá đất là 1 thì giá thị trường “nhảy” lên đến 1,5 hoặc 2,5 lần. Cứ thế, sang năm sau vì giá thị trường tăng nên khung giá đất mà chính quyền áp lại tăng theo.

Hệ quả là giá bất động sản cứ thế leo thang cao vút, “đẩy” người nghèo ra khỏi nấc thang, không có hy vọng tiếp cận với nhà ở dù có cố gắng hết sức và hết đời. Là người từng chấp bút Luật Đất đai, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận xét, đây là sự yếu kém của công tác quản lý Nhà nước.

Tức là trước sự biến động rất nhanh của thị trường có khả năng dẫn đến những phát sinh tiêu cực, Nhà nước cần vào cuộc ngay bằng việc ban hành các công cụ để ngăn chặn sự nóng lên của giá bất động sản một cách bất thường. Song cơ quan quản lý lại không làm, dẫn đến việc giá tăng vọt. Đơn cử việc cho phép bán nhà trên giấy (chưa xây xong, chỉ mới khởi công), không những gây ra rủi ro cho khách hàng mà còn là một trong những nguyên nhân khiến giá bất động sản tăng ảo. Bởi vì có thực tế là, khi lúc đầu khách hàng mua nhà trên giấy giá chỉ là 1, ba tháng sau nhà đầu tư lại tự ý tăng giá lên gấp 1,5 lần, thậm chí có những dự án tăng gấp đôi…

Thị trường bất động sản vốn rất “nhạy cảm”, vì thế rất cần sự nhạy bén của các cơ quan quản lý Nhà nước. Theo ý kiến của nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu Nhà nước không nhanh chóng thành lập một ủy ban điều tiết thị trường bất động sản như Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, thì thị trường này sẽ còn bất ổn. Thị trường nhạy cảm thì quản lý phải nhạy bén, tài chính hay nhà đất đều như vậy.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô