Top

Đà Nẵng: "Không có chuyện người Trung Quốc mua đất"

Cập nhật 03/07/2014 09:41

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, chưa phát hiện trường hợp doanh nghiệp, cá nhân là người Trung Quốc mua đất.

Tờ Dân Trí đưa tin, ngày 2/7 tại buổi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng Ban nội chính Trung ương đã tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu và Sơn Trà (Đà Nẵng). Tại đây nhiều cử tri đã đặt câu hỏi về việc doanh nghiệp Trung Quốc mua đất ở Đà Nẵng.

Theo đó, ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện trên địa bàn Đà Nẵng có 7 doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động. Các doanh nghiệp này đều tuân thủ pháp luật Việt Nam và đang làm ăn bình thường.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết thông tin doanh nghiệp hay cá nhân người Trung Quốc “đội lốt” mua đất ở Đà Nẵng là hoàn toàn không chính xác. “Thành phố cũng đã xác minh nhưng đến nay chưa phát hiện ra trường hợp nào”, ông Phùng Tấn Viết nói.

Trung Quốc tăng đầu tư bất động sản Việt Nam

Trong một báo cáo được đưa ra vào hồi đầu năm 2014 của Công ty dịch vụ bất động sản CBRE cho biết, các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc đang ngấp nghé nhiều dự án nghỉ dưỡng kèm theo loại hình kinh doanh giải trí ở Đà Nẵng.

Đang có làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực bất động sản

Chuyên gia của CBRE cho biết, lý do các nhà đầu tư trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc tìm đến Đà Nẵng do khác với "cơn bĩ cực" đang tồn tại ở thị trường bất động sản Hà Nội hay TP. HCM, thị trường nhà đất Đà Nẵng có dấu hiệu ấm lên, tập trung vào phân khúc đất nền giá rẻ, hay bất động sản du lịch ven biển.

Nguồn đầu tư đến từ Trung Quốc cũng đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua, bằng chứng là con số báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dòng vốn  FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh trong lĩnh vực bất động sản, gấp 7 lần so với 2012.

Ths Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới từng nêu quan điểm, việc Trung Quốc đầu tư mạnh vào bất động sản giữa lúc bất động sản đang thua lỗ, Việt Nam nên hoan nghênh vì sự tham gia của họ sẽ mang theo dòng vốn, còn việc lũng đoạn hay không lại do luật và sự giám sát của luật.

"Họ cũng là nhà đầu tư, họ tìm kiếm những con đường tốt nhất để có được lợi nhuận nhanh nhất, cao nhất đấy là nguyên tắc, không thể đổ lỗi cho họ được.

Luật của chúng ta không rõ ràng nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi họ vào đây, họ mở công ty, họ chỉ trình ra mấy chục triệu, trăm triệu USD trong khi dự án là hàng tỷ USD sau đó họ vay vốn ở đất nước mình, làm dự án bất động sản lúc mà đất đang sốt ai cũng tranh giành mua, họ bán để kiếm tiền", Ths Bùi Ngọc Sơn nói.

Chuyên gia kinh tế, TS Alan Phan nêu quan điểm,  kinh tế cạnh tranh toàn cầu đòi hỏi sự liên thông và tự do cho dòng tiền đầu tư vì vậy chuyện “ngăn sông cấm chợ” như thời bao cấp chỉ đem lại những hệ quả ngược với kế hoạch.

"Trung Quốc đang kiểm soát chặt chẽ nền công nghiệp Việt Nam qua nguyên liệu, thành phẩm và thu về hơn 20 tỷ USD mỗi năm - số nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam, nên việc thâu tóm hay lũng đoạn thị trường bất động sản hoàn toàn không cần thiết", TS Alan Phan nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt