Top

"Loạn" môi giới nhà đất ở "Hà Nội mới"

Cập nhật 03/05/2008 09:00

“Chỉ sau buổi sáng thức dậy, trước nhà tôi cũng có "văn phòng" nhà đất, hông nhà tôi cũng có "văn phòng" nhà đất. Chắc là phải làm ăn được lắm nên mới mở nhiều thế chứ?!”- Cụ Mai Khắc Hạnh, ở xã Tiến Xuân, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, cho biết.

Như “nấm sau mưa”

Tại đoạn đường quốc lộ 21 rẽ vào 4 xã Tiến Xuân, Đông Xuân, Yên Bình và Yên Trung huyện (huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình) chiều dài khoảng 1km, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đếm được trên dưới 50 tấm biển quảng cáo với những cái tên khá là “kêu” “Tư vấn nhà đất”, “Thông tin nhà đất”, “Bán đất”…

Đó có lẽ là thay đổi dễ nhận thấy nhất của địa phương này, vì trước kia vốn rất bình yên, người dân chủ yếu sống bằng công việc đồng áng. Nhưng từ khi có thông tin được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội nó đã có sự khác lạ mà bất kỳ một khách nào qua đây cũng phải bất ngờ về độ dầy đặc của biển quảng cáo "môi giới nhà đất"…

Còn tại các thôn Văn Phú, La Khê, xã Văn Khê thuộc thành phố Hà Đông các đại lý môi giới nhà đất còn “hoành tráng” hơn nhiều. Biển hiệu được treo khang trang với kích cỡ loại nào cũng có và nhiều đến mức không đếm xuể.

Biển được gắn vào hai thanh sắt, vắt ngang ra đường, biển được buộc vào gốc cây, biển đóng liền lên bờ tường, biển được trưng trước nhà... Miễn là có thể gắn được là người ta gắn. Nhưng cái lạ là không biết gọi tên là trung tâm, văn phòng hay công ty vì chúng được gắn với rất nhiều thứ: Rửa xe, bán hàng quán, thậm chí buôn bán hoa quả, hàng nước chè cũng gắn biển… thông tin nhà đất.

Để trả lời câu hỏi mà mình đang thắc mắc chúng tôi dừng xe lại một quán nằm ngoài cánh đồng mênh mông và cũng được trưng một tấm biển “Thông tin nhà đất”. Anh Minh chủ quán cho biết: “Trước đây đất đai khu này trầm lặng lắm, các dịch vụ đó chỉ mới xuất hiện cách đây vài tuần thôi”.

Vậy biển môi giới nhà đất anh treo trên tường kia thuộc "công ty" nào, ai cấp giấy phép hoạt đông? “Phép gì mà phép, người ta làm ăn lớn mới cần chứ mình làm ăn nhỏ thế này thì chẳng cần phép gì cả. Chẳng hạn sau này có ai nhắc nhở thì mình lại tháo ra khi cần lại lắp vào”, anh Minh nhanh nhảu.

Còn cụ Hoằng bán nước chè ở thôn Văn Phú, TP Hà Đông, trước nhà cũng có biển quảng cáo "môi giới nhà đất". Cụ bảo: "Tôi cũng chẳng biết làm ăn thế nào mới mấy hôm trước khu nhà tôi làm gì có trung tâm hay văn phòng gì. Nhưng từ khi có thông tin sáp nhập vào Hà Nội các biển kia được trưng lên theo ngày, thậm chí cái biển trước nhà tôi mới có hôm qua."

Đi "câu"

Anh Minh đang xì khô cái xe cho chúng tôi phải giật bắn mình vì tiếng quát của một người bố chừng 60 tuổi: “Sáng nay mày có thắp hương không?” “Con có thắp hương nhưng con không mua gì cả!” Ông bố gằn giọng: “Tôi biết ngay mà cái tính anh nó đoảng như thế từ lâu rồi! May tôi mua nải chuối với lại cân cam. Mình làm ăn buôn bán đất cát thì anh phải để ý chứ”.

Anh Minh ngoài rửa xe còn làm thêm tư vấn nhà đất, anh bảo: Nếu ai có nhu cầu thì các anh cứ gọi cho tôi. Đất gì tôi cũng tìm được, tôi chỉ ăn phần trăm bên bán thôi còn các anh cho được bao nhiêu thì cho. Tôi hỏi: Từ hôm treo biển đã "vớ" được món nào chưa? Anh trả lời: "Thì cứ treo lên đấy để "câu" thôi chứ có mất gì của mình đâu. May ra thì "vớ", không được cũng chẳng sao..."



"Văn phòng" cứ mọc, không được khách cũng chẳng sao.


Chúng tôi vào một trung tâm môi giới nhà đất ở ngay TP Hà Đông, được chủ nhà đon đả: “Các anh có nhu cầu mua hay bán đất? Chúng tôi có thể lo được tất cả… Mua đất thì các anh cứ yên tâm, chúng tôi sẽ làm từ A đến Z, xong xuôi giao sổ đỏ đàng hoàng”.

Theo một người từng làm nghề này hai năm ở đây cho biết: Ngày mới có thông tin sáp nhập Hà Tây về Thủ đô, may ra một tháng được 1 đến hai vụ giao dịch mua bán thành công. Còn bây giờ thì khách hàng chỉ cưỡi ngựa xem hoa là chính.

Tuy nhiên, đại lý môi giới nhiều tới mức, theo các "cò" ở đây, có thể gấp 4-5 lần người đi mua đất. Nên dân "già đời" trong nghề môi giới bây giờ cũng bị các "văn phòng" kia cho "đo ván" vì họ cứ lập ra để "câu". Được thì tốt không được cũng chẳng sao!

“Hai tháng "một cái" là ăn đủ”

Theo Hoàng - một người buôn bán đất sành sỏi thì một hoặc hai tháng chỉ cần “bật” được một mảnh đất là ăn đủ cả năm nhưng muốn được thế không dễ. Phải là "con ông nọ cháu bà kia" mới biết được thông tin quy hoạch, manh mối, mới biết “vàng ở đâu mà móc”.

Cũng theo như lời Hoàng thì “giới chỉ trỏ” làm cái nghề này không được nóng ruột và đa phần còn tuỳ thuộc vào cái duyên bán hàng.

Hoàng bảo: “Trước đây đất đai khu này (thị xã Hà Đông) trầm lặng lắm, các dịch vụ đó chỉ mới xuất hiện gần đây thôi nhưng phát triển nhanh lắm. Nếu họ môi giới cho nhà nào mà thành công thì chí ít cũng được mỗi bên chi cho một vài phần trăm, trung bình sau mỗi vụ thu vào cũng được cả trăm triệu triệu bạc chứ chẳng chơi…”.

Một số người bán đất ở Hà Tây đã trở thành “đại gia” nên tạo ra làn sóng bán đất đổi đời. Đó cũng là những cơ hội béo bở của các tay “cò đất” lợi dụng để kiếm lời.

Theo VTC News