“Nếu theo đúng lộ trình, giá than, giá điện tăng thì ngành xi măng cũng buộc phải tăng giá theo” - Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội vật liệu xây dựng cho biết.
Theo ông Huynh, trong sản xuất xi măng tiêu hao điện năng rất lớn, sử dụng nguồn nhiên liệu than cũng nhiều. Do đó nếu giữ được giá than, giá điện bình ổn thì giá xi măng cũng ổn định. Còn nếu theo đúng lộ trình, giá than, giá điện tăng thì ngành xi măng cũng buộc phải tăng giá theo.
Bởi vậy, nhà nước cần có chính sách kiểm soát, không thể để giá điện và giá than tăng nhiều một cách vô lý như hiện nay. Những ngành này không thể nói theo kiểu "giá bán cho nước ngoài cao thì giá trong nước cũng phải tăng theo".
“Tôi được biết, than bán cho nước ngoài là loại than đặc biệt chất lượng tốt nên giá cao. Còn than dùng cho sản xuất xi măng không có gì đặc biệt mà giá trên 1 triệu đồng/ tấn là hết sức vô lý” - ông Huynh nói.
Trước thực trạng đó, ông Huynh đề xuất giải pháp nhà nước nên giao cho ngành xi măng 1 mỏ than để tự tổ chức khai thác, chủ động nguồn nhiên liệu. Còn về điện, hiện Hiệp hội đang khuyến khích các nhà máy xi măng tự xây dựng lấy nhà máy điện để đảm bảo sản xuất, giảm tiêu hao điện.
Nguyên lý hoạt động của các nhà máy xi măng là khi các lò nung hoạt động sẽ xả ra một lượng nhiệt khoảng 360 độ và nếu thu hồi được lượng nhiệt đó để sản xuất điện thì các nhà máy sẽ tự lo được 30% lượng điện cho vận hành của mình.
“Lắp đặt hệ thống thiết bị nhiệt điện sử dụng nguồn nhiệt thải ra của chính nhà máy xi măng ước tính mất một năm, nhưng vốn đầu tư không lớn. Các nhà máy xi măng có thể thu hồi trong vòng 5 năm” - ông Huynh khẳng định.