Giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD) tăng cao, đặc biệt là giá xi măng đã vượt ngưỡng 80.000 đồng/bao khiến thị trường xây dựng chao đảo. Nhiều chủ đầu tư đang đứng ngồi không yên vì hàng loạt công trình có nguy cơ dang dở.
"Án binh bất động"
Giám đốc Công ty xây dựng Công Bằng, ông Lê Thành Công cho biết: "Với các công trình tư nhân, chủ đầu tư còn ngồi lại thương lượng và nhất trí nghiệm thu công trình theo từng giai đoạn, nhà thầu còn "dễ thở", còn với các công trình Nhà nước thì hầu như bế tắc. Đã có một số nhà thầu ngưng thi công. Nhà thầu tính toán, ngưng thi công chỉ tốn tiền nuôi quân mỗi tháng khoảng 30 - 50 triệu đồng, còn nếu tiếp tục thi công thì với giá VLXD hiện nay, mỗi tháng có thể phải bỏ ra hàng tỉ đồng nhưng không biết bao giờ chủ đầu tư mới giải quyết, nên một số nhà thầu các công trình Nhà nước đành chọn giải pháp án binh bất động".
Một nhà thầu nhận xây dựng 2 công trình nhà xưởng cho tư nhân ở huyện Nhà Bè và Hóc Môn với kinh phí xây dựng mỗi công trình 10 tỉ đồng cũng cho rằng: "Với giá xi măng, sắt thép hiện nay, mỗi công trình chúng tôi nhận thầu đội lên 13-14 tỉ đồng. Mặc dù chúng tôi đều có hợp đồng với các nhà cung ứng vật tư nhưng họ chỉ đáp ứng nhu cầu theo kiểu giao tiền đến đâu, giao hàng đến đó. Riêng với thép xây dựng thì nhà cung ứng chỉ cam kết giá trong 24 giờ, ngủ qua một đêm đã phải trả giá khác rồi".
Tình hình này cũng khiến các chủ đầu tư các công trình Nhà nước cũng lúng túng và kéo dài trong cách xử lý. Công ty cổ phần nước và môi trường (Waco) hiện đang thực hiện nhiều dự án nhà máy nước lớn như ở huyện Củ Chi (200 ngàn m3/ngày) với tổng giá trị nhận thầu trên 200 tỉ đồng, dự án cấp nước Ninh Thuận từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với tổng vốn đầu tư trên 15 triệu USD, dự án nhà máy nước Bình Định từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng giá trị đầu tư trên 10 triệu USD... Trong tình hình này, Waco phải gồng mình để đảm bảo uy tín với các nhà tài trợ, tuy nhiên không biết sẽ được giải quyết như thế nào về chi phí đội lên do giá vật tư tăng...
Nan giải chuyện "đội giá"
Tổng công ty xây dựng Sài Gòn trong 5 tháng qua đã ký nhận thầu công trình với tổng giá trị hợp đồng gần 1.000 tỉ đồng. Với tình hình giá VLXD hiện nay, tổng công ty phải liên tục thương lượng với các chủ đầu tư để có giải pháp tháo gỡ. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng không thể nào kịp đúng như hợp đồng đã ký. So với thời điểm đầu năm 2008, giá trị của các công trình bị "đội" lên khoảng từ 40 - 50%.
Trước thực trạng nêu trên, Chủ tịch Hội doanh nghiệp xây dựng TP.HCM Dương Ngọc Khánh thắc mắc: "Dù các công ty sản xuất xi măng đều khẳng định là có thể đáp ứng đủ nhu cầu xây dựng trong nước, nhưng không hiểu tại sao lại khan hiếm?".
Công trình cầu Nguyễn Văn Cừ
đang gặp khó khăn lớn do giá
VLXD tăng quá cao.
Các công trình hạ tầng có thể ngưng trệ
Nhiều nhà thầu thi công các công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông tại TP.HCM cho biết hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Võ Kế Tuấn, Giám đốc chi nhánh Công ty xây dựng công trình giao thông 508 tại TP.HCM cho biết: "Các công trình như cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Công Lý đang cần khối lượng bê tông, sắt thép rất lớn Lúc mới triển khai công trình, giá bê tông tươi chỉ khoảng 700.000 đồng/m3, nay đã tăng lên 1,1 - 1,2 triệu đồng/m3; sắt thép tăng từ 8.000 đồng lên hơn 17.000 đồng/kg; tiền xe máy, nhân công cũng tăng theo quy định. Quả thực, với mức giá mới như hiện nay, nếu chỉ được thanh toán theo mức giá cũ thì không đủ để mua sắt thép, chứ nói gì đến các VLXD khác".
Để giải quyết khó khăn này, Công ty 508 đang đề nghị chủ đầu tư (Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 - Sở Giao thông - Công chính TP.HCM) cho nhà thầu được thanh toán khoản trượt giá, nhân công, xe máy theo quy định của Nhà nước đối với khối lượng đã thực hiện năm 2007 và đầu năm 2008; hoặc cho tạm ứng khoản này theo quy định, để nhà thầu có tiền tiếp tục thi công các hạng mục công việc tiếp theo. Ông Tuấn nói: "Nếu chậm được thanh toán hay tạm ứng, nhà thầu sẽ khó đạt được tiến độ, thậm chí có thể ngưng trệ công trình".
Cty xi măng Hà Tiên 1 đang cung ứng
ra thị trường từ 7.200 - 8.000 tấn/ngày.