Top

Thị trường xây dựng: Chủ và thầu cùng xoay

Cập nhật 27/03/2008 13:00

Thị trường xây dựng đang chựng vì giá nguyên vật liệu tăng mạnh, cả chủ và nhà thầu khó tìm được tiếng nói chung về khoản trượt giá trong quá trình thi công

Cả hai đang tìm cách để chọn giải pháp nào thuận tiện, thích hợp và rành mạch nhất mà đôi bên cùng hài lòng.

Nhận thầu nhưng không bao giá

Trước đây khi giá cả bình ổn, nhiều nhà thầu “thích” nhận xây dựng công trình nhà ở trọn gói - bao luôn cả vật tư, nhân công và thực hiện cho đến lúc... chìa khoá trao tay. Và đó như là thông lệ của giới thầu xây dựng. Nay vật liệu xây dựng cung ứng cho các hạng mục từ phần xây thô, phần hoàn thiện cho đến giá nhân công đều biến động nên nhiều nhà thầu thoái thác, thậm chí chủ đầu tư giao tiền trước mà nhà thầu vẫn không dám nhận. Bởi có tiền ngay thời điểm này nhưng sắt thép, gạch, xi măng... mua có đủ được một lần theo dự toán không? Lo chưa kịp thì ngày mai, ba ngày nữa... giá tăng thì sao? Giá thợ chính trả 120.000 - 150.000đ/ngày/người, giờ khó khăn, vật giá mọi thứ tăng, thợ không đủ sống đòi tăng lương...? Muôn vàn khó khăn đó nên nhà thầu cũng rụt rè và lúng túng.

Còn lý do nữa làm cho thị trường xây dựng có phần chậm lại là chính chủ đầu tư, chủ nhà dè chừng xem giá vật liệu có giảm không qua những nỗ lực của nhà nước kéo giảm lạm phát... Hoặc chủ đầu tư không đủ kinh phí để tiến hành vì giá các loại tăng ngoài dự trù.

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty Đất Lành cho biết, “Giá xây dựng hiện nay tăng từ 20 - 30% cho các khoản nên giờ giá thành xây nhà loại trung bình phải 3 - 3,5 triệu đồng/m2”. Chính vì vậy mà có trường hợp nhà đầu tư con “chịu không xiết, bỏ ì ra đó, chủ đầu tư mẹ phải chịu hết”. Ở giai đoạn này, để công trình không bị đình trệ thì chủ đầu tư nên cung cấp toàn bộ vật tư và nhà thầu chỉ việc thi công; “hiện công ty tôi đang chọn giải pháp này”, ông Đực nói vậy.

Giải pháp hợp đồng mở

Nhưng ít nhà thầu thi công chấp nhận phương án trên. Vì như vậy là “đi làm công, chẳng ra thầu thiếc gì mà làm!” giới nhà thầu, công ty xây dựng bức xúc nói như thế. Và để dung hoà, thị trường này vẫn có giải pháp, ông Nguyễn Văn Châu, giám đốc công ty thiết kế - xây dựng Tỷ Lệ Vàng cho rằng, thông thường giới làm dịch vụ này đều chọn giải pháp tính giá xây dựng bằng mét vuông.

Với sự trượt giá như hiện nay, theo tính toán trong ngành thì vào khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/m2 (hoàn tất - chìa khóa trao tay) với vật liệu thuộc dạng trung bình. Và nếu chỉ tính phần xây thô thì khoảng 2,5 - 2,7 triệu đồng/m2, giá xây thô bao gồm luôn sơn nước, lan can, cầu thang và đường dây điện, đường ống nước. Chỉ tính phần xây thô vì phần hoàn thiện có một dải dài và rộng về chủng loại vật liệu, giá cả nên phần này thường giao cho chủ đầu tư tự chọn lựa, tự cung ứng; nhất là vào lúc giá cả... khó lường này. Cách mà nhà thầu, nhà thi công cung ứng luôn vật tư xây dựng chính yếu luôn thuận tiện cho gia chủ, chủ đầu tư; vì thời gian mua và chọn, cung ứng kịp thời... không phải chủ nhà nào cũng sành.

Ông Châu phân tích, sau khi nhận công trình, nhà thầu lập khái toán và đưa giá xây dựng trên mét vuông, kèm theo phụ lục hợp đồng là liệt kê khoảng 6 - 10 loại vật liệu chính cùng giá cả vào thời điểm nhất định. Trong đó, có ghi thêm điều khoản việc trượt giá, ví dụ, sau một tháng kể từ ngày ký “nếu những mặt hàng kê trong hợp đồng tăng giá thì bên chủ đầu tư phải chịu khoản chênh này”; vì công trình dân dụng có thể kéo dài 4 - 6 tháng hoặc hơn mà thị trường giá thì đang biến động, “như vậy là công khai, mạch lạc và công bằng hơn”.

Với phương thức mở theo hướng trên có thể sẽ làm “hài lòng” giữa các bên tham gia vào công trình.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị