Trước đơn kêu cứu của 18 doanh nghiệp thép nội địa, Bộ Công Thương đã xem xét và chuẩn bị áp thuế tự vệ với các sản phẩm thép nhập khẩu.
Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với hơn 20 doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thép về tình trạng lượng nhập khẩu thép ở mã HS 7213.91.90 tăng đột biến sau khi áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm thép có mã HS 7227.9000 từ tháng 4/2016.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội thép cho hay trước đây, ngành thép Việt chưa tập trung sản xuất thép rút dây/dây thép buộc bởi nhu cầu trong nước đối với mặt hàng này còn hạn chế. Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ khi áp thuế đối với mã HS 7227.9000, các nhà sản xuất trong nước đã chú trọng hơn mặt hàng này.
Bộ Công Thương áp thuế tự vệ để cứu thép nội địa. Ảnh: Hoàng Hà.
|
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh khẳng định phòng vệ thương mại là công cụ hữu hiệu để bảo vệ sản xuất trong nước ở bất cứ quốc gia nào. Biện pháp tự vệ là biện pháp khẩn cấp để bảo hộ cho sản phẩm. Nếu không có biện pháp tự vệ thì ngành sản xuất trong nước có thể bị phá sản, khi đó thép từ Trung Quốc có thể thao túng giá cả trên thị trường.
Tuy nhiên, theo vị này, trước khi xem xét, nghiên cứu, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại phải tuân thủ theo quy trình, không thể tùy tiện đưa ra một mức thuế nào đó. "Phòng vệ thương mại là công vụ cuối cùng bảo vệ sản xuất trong nước nhưng không bảo vệ quyền lợi của một cá nhân nào mà bảo vệ quyền lợi của cả ngành", ông Nam nhấn mạnh.
Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cũng ghi nhận ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và Hiệp hội thép. Cục này sẽ tiếp tục ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp đến hết ngày 31/12/2016. Các ý kiến sẽ được tổng hợp, đưa ra bàn thảo với các Cơ quan quản lý nhà nước và sau đó được trình lên Văn phòng Chính phủ.
Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho hay nhờ áp dụng biện pháp tự vệ khẩn cấp, sản xuất phôi thép của Việt Nam đã hoạt động trở lại. Khi áp dụng biện pháp đối với các mã HS đó, lượng nhập khẩu đã giảm đáng kể, sản xuất trong nước đã được phục hồi và tăng trưởng đáng kể.
Các mã HS bị áp dụng giảm kim ngạch nhập khẩu vào Việt Nam nhưng đã có sự chuyển dịch sang Mã HS khác. Sự chuyển dịch cũng dựa trên cơ sở lợi ích của doanh nghiệp.
"Cục Quản lý cạnh tranh cũng sẽ cân nhắc việc thành lập các đoàn thanh, kiểm tra trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu trong nước. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng công cụ phòng vệ thương mại để tạo lợi thế riêng cho doanh nghiệp", ông Nam khẳng định.
Đồ hoạ: Kiều Linh.
|
Trước đó, 18 doanh nghiệp bao gồm thép Hoà Phát, Thái Nguyên, miền Nam, Pomina, Vina Kyoei, VSC - Posco, Việt Đức, Việt Ý… đã có văn bản gửi Bộ Công Thương kiến nghị xử lý hành vi nhập khẩu ồ ạt thép cuộn thời gian qua.
Theo văn bản này, ngày 7/3, Bộ Công Thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cho hay từ khi áp thuế tự vệ với thép dài và phôi thép, doanh nghiệp nhập khẩu kê khai sang mã HS khác đối với mặt hàng thép dây cuộn, hay còn gọi là thép cuộn - một trong những sản phẩm thuộc đối tượng áp thuế tự vệ thương mại.
Theo thống kê, trước khi Bộ Công Thương áp thuế tự vệ, thép dây cuộn được nhập khẩu kê khai mã 7227.90.00 để hưởng thuế 0%. Sau khi áp thuế tự vệ, lượng nhập khẩu thép cuộn mã này giảm mạnh 15,4%. Trong 10 tháng năm nay lượng nhập chỉ bằng 58% so với cả năm 2015.
Thay vào đó, tình trạng kê khai nhập khẩu tăng đột biến ở mã 7213.91.90. Tổng lượng nhập 10 tháng tăng gấp 4 lần lượng nhập năm 2015. Riêng tháng 10, việc nhập khẩu tăng cao kỷ lục là 144.000 tấn, bằng 155% lượng sản xuất thép cuộn của toàn ngành thép.
DiaOcOnline.vn - Theo Zing