Top

Hồi sinh dự án 'chết'

Cập nhật 25/11/2016 09:24

Dự án trị giá hàng trăm triệu USD ở công viên 23.9 (Q.1, TP.HCM) “trùm mền” hơn chục năm qua đã được UBND TP.HCM chấp thuận cho một đơn vị cải tạo, khai thác thành khu vực dịch vụ, giải trí.

Dự án được hồi sinh để phục vụ người dân và du khách

Năm 1995, khu liên hợp mang tên Trung tâm văn hóa thương mại Sài Gòn của Công ty liên doanh VN JinWen (Vijico) đã được phê duyệt, đặt tại công viên 23.9, Q.1, TP.HCM. Đây là liên doanh giữa Tập đoàn JinWen của Đài Loan (bao gồm 10 công ty, trong đó có 6 công ty Đài Loan, 2 công ty Hồng Kông và 2 công ty Singapore) với 3 đối tác VN là Công ty dịch vụ phát triển đô thị TP.HCM, Công ty công viên cây xanh TP và Công ty dịch vụ du lịch Bến Thành, với tổng số vốn đầu tư hơn 500 triệu USD, trong đó JinWen góp 70% vốn, 3 đối tác VN góp 30% vốn bằng quyền sử dụng đất.

Theo công bố, khu liên hợp này gồm công viên, khu vui chơi, khu thương mại, cao ốc văn phòng và cụm nhà hàng khách sạn 5 sao... Tại thời điểm đó, đây là dự án có vốn đầu tư nước ngoài “khủng” và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn cho bộ mặt đô thị, là nơi vui chơi giải trí của người dân TP và khách du lịch. Tuy nhiên, do thủ tục khá chậm chạp, cộng với vướng mắc trong khâu đền bù giải tỏa, phê duyệt quy hoạch, nên mãi 3 năm sau đó dự án mới được khởi công. Theo dự kiến giai đoạn đầu của dự án sẽ đi vào hoạt động khoảng năm 2001, nhưng đến năm 1999, khi dự án đã xây dựng xong 2 tầng hầm, đang triển khai đến phần thân và đã bắt đầu xây dựng phần công viên nhạc nước thì phải dừng do gặp khó khăn về vốn. Đến giữa năm 2000, dự án chính thức ngưng trệ hoàn toàn, không còn thi công. Một thời gian sau đó, lãnh đạo Công ty Vijico đã gửi văn bản xin Bộ KH-ĐT cho tạm hoãn tiến độ thực hiện dự án trong một năm, song từ đó đến nay dự án vẫn “đắp mền”.

Để tránh lãng phí quỹ đất cũng như các hạng mục đã được đầu tư, thời gian qua TP đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư tiếp tục bỏ vốn vào khu đất để xây dựng bãi đậu xe ngầm, trung tâm thương mại ngầm dưới công viên 23.9. Tuy nhiên, mọi sự cố gắng, nỗ lực của TP đều thất bại khi một số nhà đầu tư đến rồi đi. Mới đây nhất, TP chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH một thành viên đầu tư thương mại Cửu Long được đầu tư cải tạo, chỉnh trang nâng cấp một phần công viên 23.9 (khu B), để khai thác tạm thời dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí cho người dân và khách du lịch; thời hạn sử dụng đến năm 2019 và khi nhà nước có nhu cầu sử dụng thì thu hồi vô điều kiện. Trường hợp sau 2 năm TP vẫn chưa có nhu cầu sử dụng sẽ xem xét gia hạn thời gian khai thác cho phù hợp. Tuy nhiên, khu vực này phải sử dụng đúng mục đích phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, thiết kế đẹp, phù hợp và hài hòa với mỹ quan đô thị, thân thiện, an toàn, trật tự và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, không xâm hại đến cây xanh trong công viên.

Theo quan sát của PV, hiện một phần dự án ở khu B đã được nhà đầu tư cải tạo, nâng cấp lại. Trong đó, phần bên dưới tầng hầm dự án được bố trí làm khu chợ ẩm thực lớn nhất Sài Gòn và trung tâm thương mại, bãi đậu xe, với hơn 15.000 m2 mặt bằng thương mại, khoảng 500 ghế ngồi, hơn 100 tiệm quán, cửa hàng, gánh hàng rong... Trên mặt đất được Công ty Sài Gòn Cà Phê thuê khai thác bán cà phê, khu ẩm thực. Hiện những quầy hàng trong khu ẩm thực đang được cho thuê, với từng khu vực như ẩm thực châu Á, Nhật, thuần Việt... Dự kiến, ngày 9.12 toàn bộ dự án sẽ khai trương, kịp thời phục vụ nhu cầu ăn uống, vui chơi, mua sắm của người dân TP dịp tết.
Trong khi đó, khu A đang được Công ty Thanh Niên Xung Phong dùng một tầng hầm làm bãi giữ xe, phía trên làm khu vui chơi, sân khấu nhạc Sen Hồng.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên