Top

Nguyên vật liệu tăng giá: Nhà thầu cũng... “méo mặt”

Cập nhật 17/03/2008 11:00

So với cuối năm 2007, giá thép ở thời điểm hiện tại tăng tới hơn 40%. Mỗi viên gạch giá tăng tới 700 đồng. Giá cát, đá, xi măng, nhân công cũng tăng 20%-30% khiến các nhà thầu lao đao.

 Nhiều công trình, dự án rơi vào cảnh hoạt động cầm chừng vì càng làm, càng lỗ. Có lẽ chưa khi nào lại có chuyện chủ đầu tư phải “nịnh” nhà thầu, nhà thầu phải nịnh công nhân, nịnh nhà cung cấp nguyên vật liệu…

Nói về tình hình của các nhà thầu trong thời giá nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, ông Nguyễn Bảo Bình, Phó Tổng giám đốc Tcty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (Udic) cho rằng, cực kỳ khó khăn. Ông Nguyễn Bảo Bình dẫn chứng, giá thép thì ai cũng thấy rồi, tăng từng ngày.

Trước lúc trao đổi, cập nhật giá cả vào đầu giờ sáng, ông Bình nhận được thông tin giá thép đã tăng thêm 200 đồng/kg. Giá nhân công cũng tăng từ 14%-25%, tùy vị trí. Bây giờ tiền công nhật từ 60.000 - 80.000đ/người nhưng vẫn không gọi được thợ. Một là họ muốn giá cao hơn nữa. Hai là các tỉnh lân cận cũng đang xây dựng ồ ạt nên thợ cũng không cần về Hà Nội vẫn có việc làm.

Trong khi đó, các công ty chỉ có khoảng 50% tổng số công nhân, còn lại là lao động thời vụ... Giá tăng như thế, muốn có việc làm cho người lao động nên phải làm thôi chứ nhận công trình vào lúc này may lắm là hòa, không là lỗ.

Mới đây, Ban quản lý dự án khu đô thị Văn Khê mời 14 nhà thầu (đã đăng ký đấu thầu từ trước) để bàn chuyện mở thầu xây dựng khu nhà vườn liền kề (3 tầng, 1 tum) với giá trên 1 tỷ đồng nhưng tất cả các nhà thầu đều tỏ ra lừng chừng, không có câu trả lời rõ ràng.

Một trong số 14 nhà thầu nói: “Giá đó từ trước Tết thì làm được nhưng nay tình hình khác quá rồi. Chủ đầu tư lại trót ký với khách hàng giá đó rồi nên muốn điều chỉnh cũng không được. Vừa là nhà thầu nhưng đồng thời là chủ đầu tư một số dự án lớn, ông Bình cho biết: “Chúng tôi đang có 80 căn ở khu Nam Thăng Long. Phía đối tác đang yêu cầu làm gấp nhưng trao đổi với các đơn vị thành viên thì chẳng “anh” nào tỏ ra mặn mà. Có “anh” còn từ chối thẳng thừng. Không phải họ thừa việc mà ngược lại, còn rất thiếu, song nhận công trình vào thời điểm này phải cân nhắc rất kỹ”.

Theo một số nhà thầu khác, với các công trình, dự án xây dựng nhà ở thương mại, có thể chủ động hơn còn khó khăn như vậy thì các dự án, công trình dùng vốn ngân sách Nhà nước, bị chi phối về giá thành do Sở Xây dựng quy định còn khó hơn. Hiện nay, không ít doanh nghiệp có dự án xây dựng nhà chung cư đang lâm vào cảnh “đắn đo” không biết phát giá sao cho vừa. Cao quá thì khách hàng “chạy” mà không cẩn thận thì bị giá “đuổi”, còn đâu lời lãi.

 Nhiều nhà thầu đã lên tiếng chỉ trích cơ chế “một năm - một giá” trong khi thị trường biến động từng ngày như hiện nay. Họ cho rằng, cơ sở tính giá cần linh hoạt, nên định giá môt tháng hoặc dài nhất một quý một lần. Các dự án vốn ngoài ngân sách còn đỡ, các dự án bằng ngân sách bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơ chế thiếu linh hoạt, việc điều chỉnh dựa trên cơ sở thông báo giá của nhà nước, mà thông báo giá lại thường chậm so với thị trường.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh phải do người có thẩm quyền quyết định sẽ mất thời gian do qua nhiều khâu thủ tục hành chính. Để làm dẫn chứng, ông Nguyễn Bảo Bình đưa ra danh sách 50 dự án vốn ngân sách đang chờ đợi được bù giá.

Thông tư của Bộ Xây dựng tuy cho phép điều chỉnh hợp đồng, song lại không nói rõ ai là người được phép quyết định việc điều chỉnh nên quy trình, thủ tục không đơn giản, phải họp liên ngành, trình Thành phố quyết định. Điều các chu đầu tư lo ngại nhất là trong lúc tốc độ xây dựng công trình gia tăng thì dự báo mức giá vật liệu sẽ còn tiếp tục leo thang, chưa biết bao giờ mới dừng, nhất là sau khi xăng dầu tăng giá.

Theo Kinh Tế Đô Thị