Top

Giá vật tư tăng: Hàng loạt công trình "treo"

Cập nhật 09/03/2008 11:00

Niềm hi vọng sớm có thêm các cầu, đường giải quyết ùn tắc giao thông ở TP.HCM càng khó khăn hơn bởi "cơn bão" tăng giá khiến hàng loạt công trình thi công cầm chừng.

Trên đường Trần Thái Tông (Q.Tân Phú) dài 666m chỉ lèo tèo một số công nhân xây dựng. Ông Nguyễn Văn Hải - giám đốc Công ty xây dựng giao thông Phú Thọ Hòa, nhà thầu thi công - thở dài: "Chúng tôi phải làm cầm chừng vì giá vật tư tăng cao quá. Khởi công vào cuối tháng 12-2007 với vốn xây lắp 7,8 tỉ đồng, nay ước tính lỗ hơn 2 tỉ đồng". Còn ở công trình làm đường Phan Văn Hớn (Q.12), vốn xây lắp 24 tỉ đồng, lẽ ra hoàn thành tháng 1-2008 nhưng đến nay chỉ đạt hơn 80%.

Không chỉ nhà thầu nhỏ thi công cầm chừng mà nhà thầu lớn cũng vậy. Ông Ngô Quang Vinh - giám đốc ban quản lý dự án cầu Thủ Thiêm thuộc Tổng công ty xây dựng số 1 - cho biết cầu Thủ Thiêm giai đoạn hai có vốn xây lắp khoảng 400 tỉ đồng, nhưng ước tính lỗ hơn 80 tỉ đồng vì giá dự toán công trình được lập vào đầu năm 2006. Ông Vinh nói: "Chúng tôi đang thi công cầm chừng và chờ các cơ quan chức năng bù trượt giá”.

Tạm ngừng thi công

Theo ông Đỗ Ngọc Dũng - phó tổng giám đốc ban quản lý dự án Mỹ Thuận, giá sắt thép và các loại vật tư tăng giá đang là trở ngại lớn cho công trình xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Tương tự, công trình xây dựng cầu Nguyễn Văn Cừ - gói thầu số 1 - đang tiếp tục thi công trì trệ. Ông Nguyễn Xuân Bảng - giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - nói có thể không hoàn thành đúng tiến độ vào 30-6-2008.

Ông Phạm Quang Đức - phó giám đốc Công ty Công trình GTCC TP.HCM - cho biết đơn vị vừa có văn bản đề nghị chủ đầu tư xin tạm ngưng thi công một số công trình để chờ điều chỉnh giá. Cụ thể ở dự án san lấp mặt bằng Khu công nghiệp Tân Phú Trung (Củ Chi) có vốn đầu tư 35 tỉ đồng và dự án nâng cấp, mở rộng đường Hà Huy Giáp (Q.12) có vốn đầu tư 10 tỉ đồng.

Theo ông Đức, nguyên nhân do các công trình đang thi công đã bị lỗ nặng và càng không thể triển khai thi công ở công trình mới nếu giá cả chưa được điều chỉnh đúng. Theo các nhà thầu, sắp tới họ chỉ chấp nhận thi công công trình nếu các chủ đầu tư chấp thuận ký hợp đồng có điều chỉnh giá vật tư.

Theo ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình, hiện nay mời được nhà thầu rất khó và khi tham gia họ bỏ thầu cao hơn giá dự toán nên phải hủy thầu. Nhiều nhà thầu đã từ chối tham dự thầu vì biết giá dự toán đã lỗi thời so với giá thực tế. Ông Lê Hoàng Hà - giám đốc ban quản lý dự án đầu tư công trình khu vực Q.Gò Vấp - nói: "Có dự án vừa điều chỉnh xong đã lạc hậu vì giá vật tư tăng vọt".

Kêu cứu

Đứng trước giá cả tăng ảnh hưởng đến tiến độ công trình, mới đây Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đến tận công trường xây dựng cầu đường Nguyễn Văn Cừ và hứa sẽ bù lỗ trượt giá cho nhà thầu. Đồng thời giao Sở GTCC xem xét trình UBND TP cho phép tạm ứng tiền bù trượt giá trước để nhà thầu thi công. Theo ông Trần Trung Nam - phó giám đốc Công ty 508, nhà thầu thi công gói thầu số 2 xây dựng cầu Nguyễn Văn Cừ từ Q.4 qua Q.8, nếu không được bù trượt giá thì gói thầu này bị lỗ 12 tỉ đồng.

Cũng do giá cả tăng vọt, ngày 6-3 trong lễ ký kết hợp đồng BT xây dựng ba dự án kết nối với cầu Phú Mỹ (Q.7-Q.2) với UBND TP, ông Nghiêm Sĩ Minh - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần cầu Phú Mỹ - đã đề nghị TP cần điều chỉnh lại giá dự toán công trình để nhà thầu thi công hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2009. Bởi tổng vốn đầu tư 1.600 tỉ đồng của ba dự án trên đã được lập trước đây sẽ không đủ chi phí cho công trình.

Các nhà thầu cho rằng để bảo đảm thi công công trình có chất lượng và tiến độ, các chủ đầu tư cần đưa vào hợp đồng cho phép được điều chỉnh giá vật tư khi có biến động tăng. Đồng thời, các cơ quan thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư nên cho phép chủ đầu tư dự án được tính trượt giá lạm phát. Bởi từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến lúc khởi công công trình sớm nhất cũng mất 3-6 tháng, trong khi giá vật tư luôn biến động tăng.

Cần tính giá sát thực tế

Theo nhiều nhà thầu, giá vật tư trên thị trường tăng vọt cho thấy bảng thông báo giá của liên sở Tài chính và Xây dựng TP.HCM là cơ sở pháp lý để lập dự toán công trình - được áp dụng trong quí 1-2008 - rất lỗi thời.

Theo bảng giá của liên sở, sắt là 11.500 đồng/ký, nhựa đường 602.000 đồng/tấn, ximăng Hà Tiên 48.000 đồng/bao, trong khi ngày 5-3-2008 trên thị trường giá sắt 16.000-17.000 đồng/ký, nhựa đường 700.000 đồng/tấn, ximăng 56.000 đồng/bao...

Không những vậy, bảng giá trên của liên sở còn gây thiệt hại cho nhà thầu như giá sắt được giao tại nhà máy và chưa có thuế VAT. Do đó nhiều nhà thầu đề nghị liên sở Xây dựng và Tài chính cần phải sửa đổi cách tính giá vật tư sát với thực tế.


Theo Tuổi Trẻ