Top

Khốn khổ vì xây nhà

Cập nhật 04/04/2008 08:00

Vật liệu xây dựng tăng giá, lãi suất vay ngân hàng cũng tăng, chưa kể nhà thầu thay đổi cách nhận thầu khiến nhiều gia đình đang hoặc có ý định xây nhà gặp khó khăn.

Hoãn xây mới

Chị Nguyễn Thị Dung, ngụ tại đường Thoại Ngọc Hầu, Q.Tân Phú (TP.HCM) đã lên kế hoạch xây nhà từ cuối năm 2007 nhưng phải để qua Tết Nguyên đán vì chị kiêng cữ chuyện xây nhà kéo dài qua hai năm. Vậy mà, đến lúc này chị vẫn chưa dám khai móng vì giá mọi thứ vật liệu đều lên.

Với diện tích nền 60m2 và xây 1 trệt, 2 lầu thì theo tính toán trước đó của chị Dung, chỉ khoảng 600 triệu đồng sẽ hoàn tất. Thế nhưng qua Tết, giá rục rịch tăng và khi đợi đến hết tháng giêng âm lịch, nhà thầu tính toán lại cho chị biết phải chuẩn bị trong tay ít nhất 850 triệu đồng. Quá ngán, chị Dung đành phải tìm kiếm nhà thầu khác, nhưng gặp ai chị cũng nghe đến một khoản tiền tương đương. "Tui cũng biết chuyện tăng giá vật liệu xây dựng nhưng không ngờ tăng lên dữ vậy, lấy đâu ra đủ số tiền đó bây giờ" - chị Dung lo lắng.

Chỉ làm một phép tính so sánh đơn giản, vào khoảng tháng 11.2007, giá thép tròn chỉ mới khoảng 11.000 đồng/kg, nay đã tăng lên mức trên 16.000 đồng/kg. Còn nếu so với giá thép giữa năm 2007 thì đến nay, giá thép đã tăng 100%. Đặc biệt, giá các loại gạch thẻ đã tăng lên gấp hơn 3 lần, từ mức 500 đồng/viên nay có giá 1.600 đồng/viên; giá cát xây dựng cũng tăng gấp đôi và đang ở mức 170.000 đồng/m3. Dù tăng giá nhẹ hơn nhưng xi măng cũng tăng từ 5 - 7% so với giữa năm 2007.

Ngoài ra, các loại gạch ốp nền, sơn, vật liệu trang trí nội thất cũng tăng từ 10 - 15%... Chị Dung cho biết, cuối tháng 12.2007, nhà thầu tính cho chị là 2 triệu đồng/m2 xây thô, nhưng đến cuối tháng 2 vừa qua, nhà thầu tính lên đến 2,5 triệu đồng/m2. "Nếu tính cả phần hoàn thiện ở mức trung bình nữa thì 1m2 phải lên đến khoảng 4 - 4,2 triệu đồng. Làm một căn nhà hiện nay tính ra gần bằng làm 2 căn nhà vào đầu năm 2007" - chị Dung nói. Phần thiếu hụt hiện nay đối với chị Dung cũng có thể đi vay ngân hàng nhưng lãi suất cho vay đang khá cao nên chị chưa dám. Thế là, kế hoạch xây nhà của chị vẫn chưa biết khi nào thực hiện trong khi cả gia đình gồm 5 người vẫn phải ở căn nhà thuê vỏn vẹn 30m2 nhiều năm qua.

Tương tự, chị Lê Thị Loan - cũng có kế hoạch sửa lại căn nhà của mình tại đường Gò Dầu, Q.Tân Phú và mở rộng thêm cái gác, nay cũng phải hoãn lại. Vì theo dự tính trước Tết Nguyên đán, chi phí sửa đó chỉ khoảng 35 - 40 triệu đồng, thì nay phải tăng lên gấp đôi và chị chưa có đủ số tiền đó.

Vay ngân hàng để xây tiếp

Trong khi đó, anh Lý Thành xây dựng căn nhà tại Q.Gò Vấp đã đứng ngồi không yên do đang xây dở dang. Nhà anh có diện tích khá lớn 4x20m và xây đến 3 tấm. Khởi công từ cuối tháng 11.2007, anh tính chỉ có 1,7 triệu đồng/m2 xây thô. Tuy nhiên, chỉ mới đổ xong 3 tấm sàn bê tông thì đến Tết Nguyên đán, nhà thầu đã đòi tăng giá lên 2,2 triệu đồng/m2. Anh cũng đành chấp nhận vì nếu không thì nhà thầu sẽ bỏ công trình.

Nhưng chưa hết, mới qua Tết, nhà thầu đã tính lên và nói phải tăng giá thêm 1,5 triệu đồng/m2 thì họ mới có lời để tiếp tục làm. Anh Thành đành phải đi vay thêm hơn 100 triệu đồng để bù vào khoản tăng giá này. "Cuối năm 2007 lãi suất vay tín chấp chỉ mới ở mức 0,8%/tháng mà mình tính đủ rồi nên không đi vay. Ai ngờ hiện nay giá lên nên thiếu tiền, tui phải đi vay tín chấp với lãi suất 1,1%/tháng. Tính ra chi phí mình phải bỏ thêm ra gần 200 triệu đồng", anh Thành nói.

Ngoài giá vật liệu xây dựng tăng, theo các công ty xây dựng thì giá nhân công cũng tăng gần 50% so với giữa năm 2007. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, nhiều công trình bắt đầu khởi động khiến cho nguồn nhân lực này càng bị co kéo và giá cũng phải tăng lên. Bên cạnh đó, để tránh bị "hớ" giá khi tình hình biến động khó dự đoán như hiện nay, nhiều công ty xây dựng, nhà thầu chỉ ký hợp đồng nhận phần xây thô chứ không nhận trọn gói cả phần hoàn thiện như trước nữa. Điều này càng khiến cho nhiều chủ nhà gặp khó khăn trong việc tính toán chi phí cũng như trong việc đi mua nguyên vật liệu.

Chỉ có các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam cam kết không tăng giá đến hết tháng 3, doanh nghiệp xi măng không tăng giá đến hết tháng 6. Tháng 3 đã đi qua và không ai có thể dự đoán được giá thép trong tháng 4, tháng 5 sẽ như thế nào.

Theo Thanh Niên