Ngay cả khi đã được cấp giấy phép khai thác mỏ, nhưng để được khai thác, doanh nghiệp được cấp phép còn phải có thực hiện nhiều quy định khác như: nộp lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các khoản phí có liên quan theo quy định; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nộp thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt, chuyển tọa độ các điểm góc được cấp phép khai thác ra thực địa...
Sau khi ký hợp đồng cung cấp đá, base cho một số gói thầu thuộc dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 3B đoạn qua tỉnh Bắc Kạn, doanh nghiệp thương mại chấp nhận điều kiện chỉ được mua hàng của mỏ đã được chỉ định với số lượng lên tới hàng ngàn mét khối. Tuy nhiên, khi đến mua thì lại bị gây khó khăn.
Điều đáng nói đây là mỏ đá đang khai thác mà chưa được cấp phép…
Muốn được thuận lợi phải mua vật liệu theo chỉ định?
Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Đại Minh (Thị xã Bắc Kạn), cho biết doanh nghiệp của ông có ký hợp đồng với một số nhà thầu thi công dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 3B đoạn qua tỉnh Bắc Kạn. Theo hợp đồng thì Công ty TNHH Đại Minh sẽ cung cấp đá 1x2 và base (loại vật liệu hỗn hợp gồm đá dăm, bột đá, đất dùng làm nền đường) cho các nhà thầu này với khói lượng gần 10.000m3.
Tuy nhiên, khi ký hợp đồng, các nhà thầu này đều yêu cầu Công ty Đại Minh phải mua đá, base tại mỏ đá Suối Viền của Công ty cổ phần Hồng Hà ở xã Xuất Hóa (Thị xã Bắc Kạn).
Tuy nhiên, điều khiến ông Chiến bức xúc là khi để liên hệ với Công ty cổ phần Hồng Hà để mua đá thì phái Công ty Hồng Hà không đáp ứng được yêu cầu về khối lượng. Trong khi đó, chỉ cách mỏ đá của Công ty cổ phần Hồng Hà chỉ mấy trăm mét, mỏ đá Cốc Ngận của Công ty cổ phần Việt Thắng cũng sản xuất các mặt hàng này với số lượng lớn và luon có sẵn, giá thậm chí còn rẻ hơn tới 15.000 đồng/m3 thì lại không được mua.
“Chúng tôi đã liên hệ với Công ty cổ phần Việt Thắng thì được họ cung cấp đầy đủ giấy tờ, đảm bảo chất lượng, đặc biệt là mỏ này luôn có sẵn các mặt hàng mà chúng tôi cần với số lượng không hạn chế, có thể lấy bất cứ lúc nào. Nhưng khi chúng tôi thông báo lấy đá, base từ mỏ của Công ty Việt Thắng thì các nhà thầu không nhất trí với lý do họ sẽ gặp khó khăn với tư vấn giám sát. Do vậy là mặc dù hợp đồng đã ký rồi nhưng cho tới lúc này chúng tôi vẫn đang chờ hàng của Công ty cổ phần Hồng Hà”.
Một đoạn quốc lộ 3B đã hoàn thành san lấp nền đường
|
Điều khiến ông Chiến lo lắng là theo hợp đồng với một nhà thầu thì đến 31-12-2013, Công ty Đại Minh phải tập kết được 5.000m3 đá, base tại công trường, tuy nhiên nếu cứ phải chờ nguyên liệu của mỏ Hồng Hà thì sẽ khó mà có thể đảm bảo được tiến độ vận tải.
Theo ông Chiến, ông đã làm việc với nhà thầu này và nêu quan điểm Công ty Đại Minh sẽ cung cấp vật liệu theo đúng yêu cầu chất lượng, kỹ thuật, còn mua ở mỏ nào thì để doanh nghiệp chủ động chứ không thể cứ ngồi chờ từ mỏ Suối Viền. Tuy nhiên, đối tác nói nếu mua mỏ khác thì sau này họ gặp khó khăn trong thủ tục với tư vấn giám sát và chủ đầu tư.
“Tôi đã hỏi đối tác rằng tại sao mỏ của Công ty Việt Thắng đang rất sẵn hàng, giá thì rẻ hơn tới 15.000đ/m3, có đầy đủ giấy tờ đảm bảo chất lượng mà các anh không cho tôi mua mà lại cứ bắt phải mua từ mỏ của ông Hồng Hà trong khi ông ấy không có hàng thì các nhà thầu nói rằng họ cũng có những cái khó. Nếu để chúng tôi cung cấp vật liệu từ mỏ của Công ty Việt Thắng thì dù giảm được khá nhiều tiền nhưng họ lại gặp khó trong công tác nghiệm thu, thanh quyết toán. Đây là điều chúng tôi thấy rất khó hiểu”.
Vậy có hay không việc chủ đầu tư và tư vấn giám sát ép các nhà thầu phải mua vật liệu từ mỏ của Công ty cổ phần Hồng Hà? Để tìm câu trả lời, chúng tôi đã có cuộc làm với với ông Đinh Quang Tuyên, Phó giám đốc Sở Giao thông- Vận tải Bắc Kạn.
Theo ông Tuyên, Quốc lộ 3B đoạn qua tỉnh Bắc Kạn có chiều dài 66km. Dự án cải tạo, nâgn cấp quốc lộ 3B triển khai từ năm 2010 có chiều dài 65km từ cầu Thác Giềng đến hết địa phận huyện Na Rì với vốn đầu tư 2490 tỷ đồng, chia thành hơn 20 gói thầu, do Sở GT-VT Bắc Kạn làm Chủ đầu tư. Theo kế hoạch giữa 2014 sẽ hoàn thành.
Theo ông Tuyên, để cung cấp đá, base cho dự án này, ngoài hai mỏ của công ty Hồng Hà, Việt Thắng ở phía đầu Thị xã Bắc Kạn, trong huyện Na Rì cũng có mấy mỏ nữa.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng có việc chủ đầu tư và tư vấn giám sát chỉ định các nhà thầu phải mua đá từ mỏ Suối Viền của Công ty cổ phần Hồng Hà hay không? Ông Tuyên cho biết Sở GT-VT không có văn bản nào về việc này mà chỉ yêu cầu vật liệu đưa vào công trình phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật. Tuy nhiên, ông Tuyên cho biết cách đây mấy tháng, sau khi nhận được thông tin đơn vị tư vấn giám sát chỉ định nhà thầu phải mua đá của một đơn vị cung cấp, lãnh đạo Sở GT-VT đã chấn chỉnh.
Như vậy, rõ ràng việc phản ánh của Công ty Đại Minh không phải là không có cơ sở. Đã đến lúc Sở GT-VT Bắc Kạn, với vai là chủ đầu tư dự án, cần phải vào cuộc làm rõ việc này.
Công ty cổ phần Hồng Hà đang khai thác mỏ đá Suối Viền trái phép
Nằm cách mặt đường Quốc lộ 3 chừng hơn 100m, mỏ đá vôi Suối Viền (xã Xuất Hóa, Thị xã Bắc Kạn) hiện đang được Công ty cổ phần Hồng Hà khai thác. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỏ đá Suối Viền vốn là của Công ty quản lý, sửa chữa đường bộ Bắc Kạn. Ngày 13-5-2002, UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép cho Công ty QLSC đường bộ Bắc Kạn quản lý khai thác mỏ này với thời hạn 18 năm. Tuy nhiên, cuối năm 2012, do mỏ khai thác vượt công suất nên UBND tỉnh Bắc Kạn đã thu hồi giấy phép.
Ngày 21-12-2012, UBND tỉnh Bắc Kạn có Quyết định số 2197 /QĐ-UB “về việc phê duyệt danh mục các khu vực khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường không đấu giá quyền khai thác”, trong đó mỏ Suối Viền nằm trong danh sách 11 mỏ được xác định để cung cấp nguyên liệu phục vụ duy tu, sửa chữa các công trình kỹ thuật.
Ngày 16-9-2013, Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Bắc Kạn ban hành Thông báo số 663 về việc nộp hồ sơ thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mỏ đá vôi Suối Viền. Theo đó, Sở TN-MT thông báo đã nhận được hồ sơ đề nghị thăm dò khoáng sản làm VLXD thông thường mỏ đá Suối Viền của Công ty cổ phần Hồng Hà.
Ngày 22-10-2013, Phó giám đốc Sở TN-MT Bắc Kạn Trần Nguyên ký Thông báo số 754 “về việc lựa chọn tổ chức thăm dò khoáng sản mỏ dá vôi Suối Viền”, theo đó Công ty cổ phần Hồng Hà được lựa chọn thăm dò khoáng sản mỏ đá Suối Viền.
Tuy nhiên, từ khi được cấp phép thăm dò đến khi được cấp phép khai thác còn phải trải qua nhiều quy trình, thủ tục. Theo ông Trần Nguyên, Phó giám đốc Sở TN-MT Bắc Kạn, trong thời gian thăm dò nâng cấp trữ lượng, doanh nghiệp chỉ được phép chế biến tận thu nốt số lượng đá đã khai thác trước khi thu hồi giấy phép. Không được khai thác mới, đặc biệt là nghiêm cấm việc đánh mìn phá đá từ trong vách núi ra.
Như vậy, tới thời điểm này, Công ty cổ phần Hồng Hà vẫn chưa phải là chủ chính thức của mỏ đá Suối Viền. Và theo tìm hiểu của chúng tôi thì với quy trình thủ tục rất chặt chẽ trong việc cấp phép khai thác khoáng sản như hiện nay, từ khi cấp phép thăm dò cho tới khi được cấp phép khai thác chính thức sẽ là một khoảng thời gian không ngắn với rất nhiều thủ tục.
Dù chưa được cấp phép nhưng mỏ đá Suối Viền vẫn đang khai thác
|
Ngay cả khi đã được cấp giấy phép khai thác mỏ, nhưng để được khai thác, doanh nghiệp được cấp phép còn phải có thực hiện nhiều quy định khác như: nộp lệ phí cấp giấy phép khai thác khoáng sản, các khoản phí có liên quan theo quy định; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nộp thiết kế mỏ được thẩm định, phê duyệt, chuyển tọa độ các điểm góc được cấp phép khai thác ra thực địa, ký hợp đồng thuê đất, thông báo giám đốc điều hành mỏ, kế hoạch khai thác, ngày bắt đầu khai thác cho Sở TN-MT; ký quỹ cải tạo môi trường, đăng ký sản xuất kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền….
Trong quá trình khai thác, phải thực hiện đúng và đầy đủ các phương pháp, quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn công trình mỏ, an toàn vật liệu nổ; hải có biện pháp phòng, chống sự cố, bảo đảm an toàn lao động…. nếu doanh nghiệp được cấp phép vi phạm quy định của Luật khoáng sản và các văn bản pháp luật liên quan thì sẽ bị thu hồi giấy phép.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi thì suốt thời gian qua, mặc dù mới chỉ được cấp phép thăm dò nhưng Công ty cổ phần Hồng Hà vẫn đang tổ chức khai thác mỏ đá Suối Viền như là đã được cấp phép khai thác. Đặc biệt, việc Công ty cổ phần Hồng Hà còn đánh mìn phá đá trong thời gian đang thăm dò là việc vi phạm nghiêm trọng. Công ty cổ phần Hồng Hà mua thuốc nổ ở đâu để phục vụ cho việc đánh mìn khai thác đá trái phép này?
Vấn đề đặt ra là vì sao những vi phạm nghiêm trọng này của Công ty cổ phần Hồng Hà đang diễn ra ngang nhiên hàng ngày mà không bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý?
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật