Ngày 30-10, thảo luận tại Hội trường về một số điểm còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tập trung vào nội dung chỉ định thầu.
ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận)đề nghị bổ sung thêm quy định điều kiện về số năm hoạt động thể hiện kinh nghiệm của nhà thầu. Ảnh: D. Tấn.
|
Cần giữ hạn mức cũ về chỉ định thầu
Về chỉ định thầu, luật hiện hành quy định 4 trường hợp được chỉ định thầu và giao cho Chính phủ quy định. Trong dự thảo Luật sửa đổi, các trường hợp chỉ định thầu được quy định 6 trường hợp. Ngoài ra có 1 trường hợp giao cho Chính phủ quy định là gói thầu cung cấp dịch vụ công.
Thảo luận về quy định chỉ định thầu tại Điều 22, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) nêu: “Điểm e, Khoản 1, Điều 22 quy định: "chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp, gói thầu dưới 1 tỷ đồng thuộc dự án đầu tư phát triển" là chưa hợp lý.
ĐB đề nghị tách riêng quy định chỉ định thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và quy định chỉ định thầu đối với gói xây lắp hỗn hợp. Đối với gói xây lắp hỗn hợp, việc lựa chọn nhà thầu phải qua nhiều giai đoạn và mất nhiều thời gian như thiết kế yêu cầu kỹ thuật do đó chi phí lựa chọn nhà thầu sẽ cao hơn. Vì vậy, ĐB đề nghị nâng mức giới hạn chỉ định thầu đối với gói thầu xây lắp hỗn hợp như quy định của Luật hiện hành hoặc giao Chính phủ quy định cho phù hợp với từng giai đoạn, hạn chế việc sửa đổi, chỉnh lý luật.
ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) cũng cho rằng, quy định về hạn mức chỉ định thầu như tại Điểm a, Khoản 1, Điều 22 của dự thảo Luật sẽ rất khó thực hiện.
Theo ĐB, hiện nay do biến động giá và chi phí nên các công trình đơn giản sửa chữa nhỏ cũng đã có giá trị trên 1 tỷ đồng. Do đó, quy định chỉ định xây lắp nhỏ hơn 1 tỷ đồng là rất khó áp dụng, đồng thời nếu quy định như dự thảo thì số lượng gói thầu đơn giản, giá trị nhỏ phải thực hiện đấu thầu không qua hình thức chỉ định thầu sẽ rất lớn, dẫn đến mất nhiều thời gian và chi phí trong việc tổ chức đấu thầu.
Mặt khác, ĐB Lê Công Đỉnh cũng dẫn Điều 87 dự thảo quy định các hành vi bị cấm trong đấu thầu có hành vi cấm chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu trong quản lý. Theo ĐB, thực tế hạn mức chỉ định thầu theo quy định hiện hành là phù hợp với tình hình triển khai công tác đấu thầu ở địa phương trong thời gian qua. Do đó, ĐB đề nghị dự thảo lần này giữ như quy định hiện hành, tức hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu xây lắp, gói thầu lựa chọn tổng thầu là 5 tỷ đồng, đối với gói thầu tư vấn là 3 tỷ đồng, đối với gói thầu mua sắp hàng hóa là 2 tỷ đồng.
Còn ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng: “Sự cố bất khả kháng” không phải là trường hợp nên áp dụng hình thức chỉ định thầu. Nếu áp dụng chỉ nên áp dụng đối với các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay hoặc bí mật an ninh quốc gia. Do đó, ĐB cho rằng nên liệt kê chi tiết các trường hợp cụ thể, không nên sử dụng cách viết “sự cố bất khả kháng”, “sự cố cần khắc phục ngay” vì không xác định được cụ thể. Thay vào đó có thể quy định luôn các trường hợp cấp bách cần khắc phục ngay là những trường hợp nào.
Quy định năm kinh nghiệm của nhà thầu
Thảo luận về nội dung đấu thầu thuốc, ĐB Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đồng tình với Ban soạn thảo khi quy định song hành 2 cơ chế đấu thầu và đàm phán giá. “Đây là lộ trình tất yếu khi thực hiện giá thuốc theo lộ trình giá thị trường. Tuy nhiên quy trình đấu thầu dập khuôn được quy định trong dự thảo luật và quá trình đàm phán giá không hiệu quả trong thực tế có thể dẫn đến hệ lụy đại bộ phận dân cư, người có thu nhập thấp có nguy cơ không bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản một cách thuận lợi nhất”- ĐB cho biết.
Vì sự khác nhau trong quá trình thực hiện đấu thầu và đàm phán giá mua thuốc tại các cơ sở y tế khác nhau, ĐB đề nghị hết sức thận trọng trong việc dùng cơ chế của thị trường để điều tiết một trong những chức năng cơ bản nhất của Nhà nước đó là cung cấp dịch vụ công và cụ thể là dịch vụ y tế. ĐB đề nghị liên quan đến nội dung này cần có những quy định cụ thể hơn.
Về tư cách hợp lệ của nhà thầu, ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị bổ sung thêm quy định điều kiện về số năm hoạt động thể hiện kinh nghiệm của nhà thầu tại Điều 5.
ĐB cho rằng, hiện nay chất lượng công trình các nhà thầu trong nước còn hạn chế, một số công trình chất lượng kém, chưa bàn giao đã hỏng. “Ngoài lý do tiêu cực trong việc thực hiện gói thầu thì kinh nghiệm nhà thầu cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Tất nhiên không phải tất cả doanh nghiệp mới thành lập đều không có năng lực nhưng cần bổ sung thêm điều kiện về số năm hoạt động của nhà thầu thể hiện các kinh nghiệm trong lĩnh vực tham gia đấu thầu từ 2 - 3 năm trở lên mới được tham gia đấu thầu để đảm bảo chất lượng đấu thầu”- ĐB Lê Đắc Lâm đề nghị.
DiaOcOnline.vnh - Theo Hải Quan