Trong hai ngày 19-20/11, Bộ Xây Dựng đã phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC-WB), Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCMC ) tổ chức Hội thảo tập huấn "Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 09: 2013/BXD - Các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả".
Hội thảo nhằm giới thiệu các nội dung của Quy chuẩn QCVN 09: 2013/BXD, quy trình, phương pháp xây dựng Quy chuẩn và hướng dẫn cho các đối tượng liên quan, đặc biệt là cán bộ cấp phép tại các Sở Xây dựng cách thức triển khai Quy chuẩn này.
Có thể tiết kiệm từ 14-36% tổng năng lượng tiêu thụ
Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2013. Theo đó, các công trình dân dụng (văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, thương mại, dịch vụ, chung cư) có tổng diện tích sàn từ 2.500m2 trở lên sẽ phải tuân thủ những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc khi thiết kế, xây dựng mới hoặc cải tạo.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tuân thủ chặt chẽ các quy định của Quy chuẩn này trong thiết kế và vận hành các công trình sẽ góp phần tiết kiệm tổng năng lượng tiêu thụ từ 14-36% trong các công trình xây dựng, trong đó, bệnh viện và khu dân cư là đối tượng có thể tiết kiệm nhiều điện năng nhất.
Ông Nguyễn Trung Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho biết: Trong hầu hết các công trình xây dựng của Việt Nam, hệ thống làm mát và chiếu sáng là những hệ thống tiêu tốn nhiều năng lượng nhất, lên tới ¾ tổng năng lượng tiêu thụ. Do đó, nhiều quy định trong Quy chuẩn được đưa ra để sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua việc giảm nhu cầu làm mát và chiếu sáng nhân tạo, tối đa hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên; cung cấp hệ thống làm mát và chiếu sáng hiệu quả bằng cách bắt buộc sử dụng hệ thống làm mát và thông gió tối ưu, kiểm soát ánh sáng, quy định công suất chiếu sáng tối đa theo độ rộng công trình.
Sẽ ban hành "Hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn"
Quy chuẩn QCVN 09:2013/BXD được xây dựng theo hướng đơn giản, có tính khả thi cao và tiết kiệm chi phí. Các quy định của Quy chuẩn đều được dựa trên kết quả các cuộc khảo sát có quy mô và các nghiên cứu sâu có tính đến yếu tố chi phí và lợi ích.
Theo bà Dương Thị Thanh Vân - Phó Giám đốc Văn phòng Kiến trúc 4, TCty Tư vấn Xây dựng Việt Nam, việc áp dụng Quy chuẩn 09:2013/BXD đã được đơn giản hóa hơn rất nhiều, có công thức tính toán cụ thể. Tuy nhiên, Quy chuẩn mới chỉ đề cập đến việc áp dụng các loại vật liệu xây dựng hay các kết cấu phổ biến, nên các kiến trúc sư khi thiết kế công trình sẽ bị hạn chế nếu muốn áp dụng kết cấu hay vật liệu xây dựng khác.
Đề cập đến vấn đề này, GS.TS Trần Ngọc Chấn - Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho biết, với mục đích đơn giản hóa Quy chuẩn và đưa vào áp dụng kịp thời, nên hiện tại Quy chuẩn mới chỉ đề cập đến hai loại kết cấu che nắng phổ biến là loại nằm ngang và loại thẳng đứng. Trong thực tế có thể gặp nhiều loại kết cấu che nắng khác, lúc đó một là dùng tạm một cách gần đúng một trong hai loại kết cấu che nắng đã cho, hai là phải tính toán cụ thể hệ số A (đã được vào trong Quy chuẩn) của loại kết cấu che nắng đó. Theo ông Chấn: Vấn đề này chắc chắn sẽ phải đề cập đến trong "Hướng dẫn áp dụng Quy chuẩn" mà Bộ Xây dựng sẽ công bố kèm theo bản Quy chuẩn này trong tương lai.
Quản trị năng lượng là vấn đề trọng yếu
Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC HCMC, việc áp dụng Quy chuẩn sẽ góp phần quan trọng trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả tại các công trình xây dựng. Tuy nhiên, nếu không quản lý tốt thì nguồn năng lượng sẽ vẫn bị lãng phí trong quá trình sử dụng.
Ông Tước cho biết: Quản trị năng lượng đang là vấn đề yếu nhất ở Việt Nam. Hiện nay việc quản trị năng lượng chủ yếu tập trung cho hệ thống điều hòa không khí và thông gió, chứ chưa có quản trị tích hợp sử dụng năng lượng trong các tòa nhà. Chỉ có một số khách sạn tiêu chuẩn 5 sao xây dựng từ năm 2011 đến nay là có hệ thống quản trị năng lượng tương đối hoàn chỉnh.
Chỉ nói riêng việc sử dụng thiết bị đun nước nóng, nhiều tòa nhà hiện nay vừa lắp đặt hệ thống nước nóng sử dụng điện, vừa lắp hệ thống nước nóng bằng năng lượng mặt trời, vừa áp dụng giải pháp điện trở. Việc đầu tư cả 3 hệ thống mà không sử dụng hết công suất hiệu quả của một trong ba hệ thống đó thì đó là một sự lãng phí, ông Tước nhận định.
Vì vậy, việc áp dụng Quy chuẩn đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc bắt đầu từ khâu thiết kế, thi công cho đến quá trình vận hành công trình mới có thể đảm bảo việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tránh lãng phí.
Dự kiến, ngày 29/11/2013, Bộ Xây dựng, ECC HCMC và IFC sẽ tiếp tục phối hợp tổ chức Hội thảo tập huấn hướng dẫn triển khai Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013/BXD tại TP.HCM cho các đối tượng liên quan gồm cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng các cấp; các chủ đầu tư, chủ sở hữu sử dụng; tư vấn thiết kế, kỹ sư, kiến trúc sư.
DiaOcOnline.vn - Theo Xây Dựng