Việt Nam đang tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng với Liên minh châu Âu (EFTA), Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan (VCUFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN...
Đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp ngành thép và các ngành, nghề khác có thể mở rộng xuất khẩu sang các thị trường.
Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa hội nhập, ngành thép cũng đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, tiêu thụ ngành thép năm 2014 tăng trưởng khoảng 10-12%, trong đó, phần lớn nhờ vào xuất khẩu các sản phẩm tôn, ống kẽm...
Trong khi thị trường tiêu thụ trong nước còn gặp khó và cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng cao, thì con đường xuất khẩu vẫn sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất tôn, thép trong nước vượt qua khó khăn và phát triển.
Mặc dù vậy, việc phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, các vụ kiện phòng vệ thương mại hiện nay có xu hướng kiện theo chùm (kiện đồng thời nhiều nước), kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và trợ cấp), gây thiệt hại về tài chính cho các doanh nghiệp, kim ngạch xuất khẩu giảm, và dẫn đến nguy cơ mất thị trường.
Tính từ năm 1994 đến năm 2013, Việt Nam đã phải đối mặt với 52 vụ việc bị điều tra chống bán phá giá bởi 15 nước khác nhau trên thế giới, trong đó, sản phẩm ngành thép bị kiện lên đến 15 vụ việc. Tính riêng trong 3 năm gần đây (từ 2011 đến 2013), Việt Nam đã phải ứng phó với 8 vụ điều tra chống bán phá giá sản phẩm về thép.
Trên thực tế, cũng có không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm và coi các biện pháp phòng vệ thương mại như chiến lược trong kinh doanh.
Đơn cử, trong vụ kiện thành công đối với sản phẩm thép không gỉ nhập khẩu vào Việt Nam mới đây, bà Phạm Châu Giang, Trưởng phòng Điều tra các vụ kiện phòng vệ thương mại trong nước (Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương) cho rằng, ngoài hạn chế từ nguồn nhân lực của cơ quan điều tra, ngôn ngữ, hệ thống tài chính kế toán thì sự chuẩn bị của các doanh nghiệp liên quan trong các vụ kiện là chưa tốt.
Khi cơ quan điều tra thông báo các doanh nghiệp liên quan, đăng ký để có thể tiếp cận hồ sơ vụ kiện thì rất nhiều doanh nghiệp không quan tâm, đăng ký.
Cùng quan điểm này, theo ông Nguyễn Văn Sưa, đối với phòng vệ thương mại, nhìn chung, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thực sự có ý thức phối hợp cùng các cơ quan điều tra để cung cấp số liệu, thông tin giúp quá trình điều tra chuẩn xác và thuận lợi.
Nguyên do là các doanh nghiệp thép nhập khẩu, kể cả sản xuất lẫn thương mại đều nhỏ, nên chiến lược lâu dài cũng như hiểu biết về luật pháp quốc tế còn nhiều hạn chế.
Do đó, thời gian tới, với các vụ tranh chấp thương mại thì các doanh nghiệp cần chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ, thông tin và hợp tác với các cơ quan điều tra, như vậy sẽ có lợi cho các doanh nghiệp và thuận lợi cho cơ quan điều tra.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường năng lực chuyên môn để giúp doanh nghiệp trong các vụ tranh tụng thương mại.
Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp sẽ phải đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá, tự vệ và chống trợ giá, không chỉ xảy ra với các mặt hàng thép mà còn ở nhiều mặt hàng, nhiều thị trường khác nhau.
Bên cạnh sự chuẩn bị của các doanh nghiệp và hiệp hội, thì sự hỗ trợ khởi kiện từ phía Chính phủ và cơ quan chức năng là điều không thể thiếu.
Tổng Giám đốc Công ty thép Kansai Nguyễn Ngọc Quân cho rằng, nhiều quốc gia đã sử dụng phòng vệ thương mại: chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ giá một cách hiệu quả, hợp lý nhưng có quốc gia lại chưa khai thác hết lợi thế của các biện pháp này.
Đối với mặt hàng thép trong nước hiện nay, nếu sử dụng phòng vệ để giải quyết được vấn đề nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc thì sẽ tạo cơ hội, thị trường lớn cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Thời gian tới, để có thể phát huy hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, vai trò của bộ máy quản lý và các cơ quan chuyên trách là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nâng cao sự hiểu biết, tăng cường phối kết hợp với cơ quan chức năng để mỗi khi có vấn đề xảy ra, có thể đảm bảo quyền lợi của chính doanh nghiệp.
Theo ông Lê Sỹ Giảng, chuyên viên điều tra về chống bán phá giá, luật pháp quốc tế cho phép áp dụng phòng vệ thương mại, thì doanh nghiệp cần phải nắm bắt thông tin, am hiểu luật pháp; sử dụng phòng vệ như thế nào, trong trường hợp nào và thủ tục ra sao... để chủ động khởi kiện lên cơ quan chức năng.
Hơn nữa, điểm đáng mừng là cho tới nay, Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang rất khuyến khích và sẵn sàng tư vấn, xem xét hồ sơ giúp doanh nghiệp sử dụng phòng vệ thương mại.
VSA cho biết, mới đây hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ khởi kiện Indonesia ra tòa WTO về việc giải quyết tranh chấp thương mại đối với sản phẩm tôn. Vụ kiện sẽ giúp ngành tôn Việt Nam ngăn chặn được nguy cơ từ các vụ điều tra sắp tới từ thị trường Indonesia cũng như các thị trường xuất khẩu khác.
Đồng thời đây cũng là thông điệp Chính phủ Việt Nam sẵn sàng ủng hộ quyền lợi của các nhà sản xuất nhập khẩu của Việt Nam trước vi phạm trong hoạt động tự vệ thương mại của các nước.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng