Nếu gạch xi măng cốt liệu có độ hút nước, xuyên nước cao, độ chống thấm thấp khi xây dựng sẽ khiến tường dễ bị thấm, loang lổ, ẩm ướt gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng công trình.
Gạch không nung ngày càng được ưa chuộng sử dụng.
|
Trong những năm gần đây, sản phẩm gạch không nung xi măng cốt liệu đã và đang ngày càng được thị trường xây dựng ưa chuộng, bởi có rất nhiều ưu điểm như: cường độ cao, bảo ôn, cách nhiệt tốt, thân thiện với môi trường...
Thực tế sử dụng chứng minh gạch xi măng cốt liệu (đặc biệt là sản phẩm chống thấm) rất bền vững và hiệu quả. Loại gạch này đã được xây tại nhiều dự án lớn và có thời gian trải nghiệm trên 4 năm như Khách sạn Pullman Hà Nội, Keangnam Landmark Tower, Grand Plaza, Splendora,Hei Tower, Sail Tower...
Ưu điểm của loại gạch xi măng cốt liệu có chống thấm là độ bền vững của khối xây cao, cách âm cách nhiệt tốt, sử dụng vữa xây thông thường và quy trình xây dựng đơn giản (tương đồng với gạch đất sét nung).
Ông Nguyễn Văn Dinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Công ty Cổ phần Clever (Tân Dĩnh, Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết: Hiện trên thị trường xuất hiện nhiều loại gạch xi măng cốt liệu. Về cơ bản, các loại gạch gạch xi măng cốt liệu đều đảm bảo tiêu chuẩn hiện hành.
Sự khác biệt giữa gạch sản xuất áp dụng công nghệ chống thấm với công nghệ bình thường (không chống thấm) là rất rõ ràng.
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam vì chưa quen với sản phẩm này, khi đi mua hàng cũng không quan tâm độ xuyên nước, tính chống thấm của gạch xi măng cốt liệu, một mặt vì họ cho rằng nhà sản xuất đã quan tâm, có người lại còn biết rõ chính trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn của ngành không có chỉ tiêu này nên chẳng quan tâm làm gì.
Song đã là vật liệu xây, đặc biệt là vật liệu xây tường ngoài, vật liệu xây những nơi tiếp xúc nhiều với độ ẩm cao bên cạnh những tiêu chuẩn cường độ, bảo ôn, cách nhiệt… tốt thì vấn đề độ hút nước, tính xuyên nước và độ chống thấm cực kỳ quan trọng. Bởi nếu gạch xi măng cốt liệu có độ hút nước, xuyên nước cao, độ chống thấm thấp, khi xây dựng sẽ khiến tường dễ bị thấm, loang lổ, ẩm ướt gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến sức khỏe, đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cũng như chất lượng công trình.
Cũng chính vì tính chống thấm kém của một số loại gạch xi măng cốt liệu mà người tiêu dùng ở nước ta e ngại, lúng túng trong lựa chọn sử dụng.
Thực tế, cách nhận biết độ xuyên nước của gạch xi măng cốt liệu rất đơn giản.
Về phương pháp thử độ xuyên nước của gạch xi măng cốt liệu, khi chưa có tiêu chuẩn riêng cho sản phẩm, hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp thử độ xuyên nước của tấm lợp amiang - xi măng (AC), với thời gian thử ngắn hơn.
Cách thử hay dùng hiện nay là dùng ít đất sét dẻo nặn thành một vòng kín bao lấy một diện tích trên bề mặt viên gạch. Sau đó đổ nước vào vùng trống ở giữa đã được đất sét bao quanh ngăn nước tràn ra. Nếu là gạch xi măng cốt liệu chưa được nghiên cứu sản xuất theo công nghệ chống thấm thì gần như đổ bao nhiêu nước thì thấm bấy nhiêu. Nếu là gạch xi măng cốt liệu đã xử lý chống thấm, trong một thời gian ngắn không cảm nhận được sự sụt giảm mực nước so với lúc đổ vào.
Theo ông Nguyễn Văn Dinh, ngoài cách thử nói trên còn cách thử đơn giản, nhanh chóng hơn là chỉ cần sử dụng nước tưới vào bề mặt viên gạch. Nếu là gạch xi măng cốt liệu đã xử lý chống thấm, nước sẽ loang rộng, còn nếu là gạch xi măng cốt liệu độ chống thấm kém thì gần như không có độ loang bởi nước tưới đến đâu, hút đến đó.
Các nhà chuyên môn về sản xuất gạch không nung khẳng định: Việc sản xuất gạch xi măng cốt liệu có độ hút nước, xuyên nước thấp, độ chống thấm cao là việc làm không khó. Chỉ cần có cấp phối hạt hợp lý, tăng hàm lượng xi măng đến một tỉ lệ cần thiết và với quy trình gia công, bảo dưỡng tốt là hoàn toàn thỏa mãn tính chất này.
Tuy nhiên, do giá thành gạch xi măng cốt liệu có độ hút nước, xuyên nước thấp, độ chống thấm cao và gạch cùng loại nhưng có độ hút nước, xuyên nước cao có sự chênh lệch (dù không lớn) nên nhiều nhà thầu, đặc biệt nhà thầu tại các công trình sử dụng vốn ngân sách vẫn ít lựa chọn gạch xi măng cốt liệu có độ hút nước, xuyên nước thấp, độ chống thấm cao. Điều này dễ khiến công trình xây dựng mất mỹ quan, ảnh hưởng đến tuổi thọ và chất lượng.
Vì vậy, theo giới chuyên môn, rất cần ngành chức năng sớm bổ sung tiêu chuẩn nhà nước ban hành cho gạch xi măng cốt liệu về chỉ tiêu độ xuyên nước, độ chống thấm để loại gạch không nung này thực sự đi vào cuộc sống.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng