Trước sức mua của thị trường trong nước có chuyển biến nhưng còn yếu ớt, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD trong nước đã tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Ảnh minh họa.
|
Thị trường trong nước: Sức mua yếu
Chỉ còn 3 tháng nữa là đón năm mới Ất Mùi, đây cũng là thời điểm ghi nhận nhiều công trình tiếp tục hoàn thiện, nhiều gia đình sang sửa nhà cửa đón năm mới, điều đó có đồng nghĩa với sức tiêu thụ các loại vật liệu tăng lên? Dạo một vòng quanh các phố chuyên bán VLXD ở Hà Nội như Trường Chinh, Cát Linh, Thanh Nhàn….Theo ghi nhận của phóng viên, không “vắng như chùa bà Đanh” nhưng khách mua hàng không đông như kỳ vọng.
Ông chủ cửa hàng VLXD Văn Hợi trên phố Trường Chinh than thở: Năm nay cũng đỡ hơn năm trước nhưng sức mua tăng không nhiều, chủ yếu là khách mua lẻ. Bao giờ mới được ngày xưa?! Khi được hỏi về dòng sản phẩm khách hay chọn lựa, ông cho biết: Khách hàng thường chọn dòng sản phẩm của Viglacera bởi chất lượng tốt mà giá cả phải chăng. Chỉ phải chi trả hơn 4 triệu đồng là khách sở hữu trọn bộ phòng tắm chất lượng.
Giá cả của thị trường VLXD năm nay không có nhiều biến đông, đơn cử như gạch 6 lỗ tròn ở Hà Nội bán 2.600 đ/viên, gạch 2 lỗ giá 950 đồng/viên, gạch đỏ đặc 1.300 đ/viên, ngói hài Tiêu Giao 8.500 đ/viên, ngói Bát Tràng 8.300 đ/viên, gạch Cotto 400 x 400mm giá 86.360 đồng/m2, loại kích thước 500 x 500 mm có giá 101.820 đ/m2, gạch ceramic của Vigracera Thăng Long loại gạch men lát nền 600 x 600 mm có giá 136.360mm/m2, sản phẩm granit công nghệ nano siêu bền có giá 287.270đ/m2, granit công nghệ nano nạp niệu giá 220.000 đ/m2, trong khi đó sản phẩm granit đơn màu muối tiêu kích thước 40 x 40 có giá 107.270 đ/m2.
Tùy từng loại kích thước và thương hiệu sản phẩm mà giá cả thiết bị vệ sinh dao động trong khoảng từ hơn 3 triệu đến hơn 6 triệu đồng/ 1 bộ, bao gồm 1 bệt, 1 chậu rửa mặt, 1 bộ sen vòi, 1 bộ gương, giá phơi khăn. Một số nhãn hàng như Inax đang chạy chương trình khuyến mãi trong tháng 11/2014 với quà tặng là mua 1 bệt tặng 1 chậu, hoặc giảm giá 20-30% các loại sản phẩm khác. Nhưng mặc cho doanh nghiệp khuyến mại , sức mua của thị trường vẫn èo uột.
Xuất khẩu – cứu cánh của doanh nghiệp
Trước sức mua của thị trường trong nước có chuyển biến nhưng còn yếu ớt, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD trong nước đã tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì xuất khẩu VLXD không chỉ giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm mà còn là giải pháp chiến lược, giúp doanh nghiệp phát triển, hội nhập với thế giới bởi thực tế xuất khẩu VLXD không dễ. Doanh nghiệp muốn xuất khẩu được sản phẩm phải là doanh nghiệp có tiềm lực, làm ra sản phẩm chất lượng cao, khả năng cạnh tranh tốt, uy tín cao …mới xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Singapore…
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, xuất khẩu toàn ngành ước thực hiện tháng 10 đạt 15,6 triệu USD, 10 tháng ước đạt 220,9 triệu USD, bằng 103,1% kế hoạch năm, xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm VLXD, trong đó xuất khẩu 10 tháng clinker và ximăng ước đạt 11,68 triệu tấn.
Tiên phong trong xuất khẩu thời gian qua phải kể đến Viglacera. Với một tổng công ty dẫn đầu về sản xuất VLXD tại Việt Nam thì xuất khẩu đã nằm trong chiến lược dài hạn với những mục tiêu cụ thể là tăng trưởng doanh thu xuất khẩu 25% qua từng năm và đến năm 2017 doanh thu xuất khẩu đạt 75 triệu USD. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cả năm 2014 của Viglacera ước đạt 31,5 triệu USD. Hiện các sản phẩm như kính, gạch, sứ vệ sinh của Viglacera đã xuất đi nhiều nước trên thế giới, chinh phục được cả thị trường khó tính như EU….
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Trần Văn Huynh cho rằng: Xuất khẩu VLXD thời gian qua chúng ta đã làm rất tốt, số lượng xuất tăng nhanh đặc biệt là xi măng, đá ốp lát, kính xây dựng… Khi điều kiện kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, thị trường xây dựng mới bắt đầu hồi phục thì xuất khẩu VLXD được coi là giải pháp tốt giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động…
Với tốc độ xuất khẩu tốt như hiện nay, theo ông Huynh, mục tiêu đề ra đến năm 2020 chúng ta có thể xuất khẩu được trên 2 triệu USD sản phẩm VLXD là hoàn toàn khả thi. Riêng năm 2014 dự kiến kim ngạch xuất khẩu VLXD đạt 1,5 tỷ USD.
Tuy nhiên ông Huynh cũng khuyến cáo: Không phải mặt hàng nào cũng xuất mà chúng ta nên xuất khẩu những mặt hàng lợi thế, những sản phẩm chất lượng cao ít ảnh hưởng đến môi trường mà thế giới đang cần như đá ốp lát, gạch ốp lát…. Còn xi măng giá trị không cao chúng ta không khuyến khích xuất khẩu nhiều.
“Doanh nghiệp sản xuất VLXD cần có chiến lược đầu công nghệ, thiết bị kỹ thuật cao để làm ra những sản phẩm chất lượng, uy tín và thương hiệu…Đồng thời chủ động xây dựng mạng lưới đầu tư và phân phối, hình thành các tổ hợp sản xuất kinh doanh có đủ sức mạnh để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tránh tình trạng tranh mua tranh bán giữa các doanh nghiệp trong nước” – ông Huynh khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng