Sau khi triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng được gần 1 tháng, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (Horea) có công văn 45 (ngày 26.6.2013) gửi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, NHNN, Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trường BĐS... kiến nghị một loạt vấn đề liên quan đến gói tín dụng 30.000 tỉ đồng.
Tiếp đó, trên một số phương tiện truyền thông cũng dẫn lời một số thành viên Ban chấp hành Horea cho rằng gói tín dụng có biểu hiện sử dụng sai mục đích.
Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo vụ việc. Như vậy sau hơn 2 tháng đưa ra gói tín dụng 30.000 tỉ đồng, đến nay xung quanh mục tiêu sử vẫn còn có rất nhiều góc nhìn rất khác nhau.
Sau một thời gian triển khai gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đang có nhiều góc nhìn về mụch đích sử dụng rất khác nhau
|
Theo Horea, có rất nhiều dự án nhà ở xã hội khởi công mới lấy nguồn vốn từ gói 30.000 tỉ đồng. Như vậy trong tương lai nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên. Trong khi đó, mục tiêu của Nghị quyết 02 là giải quyết hàng tồn kho, nhất là các công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ chưa bán được hoặc đang xây dựng dở dang (tạm gọi là chệch hướng). Góc nhìn của Horea về mục đích sử dụng gói 30.000 tỉ là chỉ nhằm giải quyết hàng tồn kho cho các dự án đã có sẵn.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng lại có một góc nhìn rất khác. Trong báo cáo gửi Chính phủ ngày 19.7, Bộ Xây dựng cho rằng: “Bộ xây dựng nhận thấy hàng tồn kho BĐS không chỉ bao gồm các sản phẩm nhà ở thương mại đã hoàn thành hoặc đang xây dựng dở dang, mà bao gồm các dự án đã triển khai giải phóng mặt bằng, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoặc đã đầu tư xây dựng một phần công trình...
Hầu hết, các dự án nhà ở xã hội được triển khai đều được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới. Để có quỹ đất sạch 20%, các DN (và cả khách hàng góp vốn) đã đầu tư chi phí để giải phóng mặt bằng, đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, như vậy việc sử dụng gói hỗ trợ cho vay đối với các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội là giải pháp nhằm thực hiện “mục tiêu kép” đó là vừa góp phần giải quyết nhà ở cho đối tượng gặp khó khăn, đồng thời vừa giải quyết hàng tồn kho BĐS, vật liệu xây dựng và hàng hóa khác...”.
Tiếp đó, ngày 22.7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản trả lời Horea do Vụ trưởng Vụ Tín dụng Nguyễn Viết Mạnh ký. NHNN cho rằng: “Nghị quyết 02 của Chính phủ... không đề cập đến vấn đề giải cứu thị trường BĐS hay giải phóng hàng tồn kho mà đề ra giải pháp hỗ trợ nhà ở cho đối tượng khó khăn về nhà ở và theo NHNN thực hiện tốt mục tiêu chính là hỗ trợ nhà ở cho đối tượng này sẽ góp phần giải phóng hàng tồn kho, qua đó có tác động tích cực và lan tỏa đến thị trường BĐS”.
Như vậy, quan điểm của Bộ Xây dựng và NHNN là không có chuyện sử dụng sai mục đích gói 30.000 tỉ đồng.
Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội BĐS Việt Nam (tháng 5.2013), Bộ Xây dựng công bố số lượng hàng tồn kho BĐS đã tăng khoảng 20% so với con số thống kê cuối năm 2012.
Cụ thể, về căn hộ, hàng tồn kho tăng thêm gần 34.000 căn hộ, đất nền tăng thêm 3%, tương đương 1 triệu mét vuông. Ước tổng giá trị hàng tồn kho khoảng hơn 111.900 tỉ đồng, trong đó TPHCM là 30.000 tỉ đồng và Hà Nội là hơn 14.000 tỉ đồng.
Sau tranh luận về mục tiêu sử dụng gói 30.000 tỉ đồng giữa Horea với NHNN và Bộ Xây dựng về khái niệm hàng tồn kho BĐS theo quan điểm của Bộ Xây dựng thì liệu số lượng hàng tồn kho BĐS có còn là con số công bố trước đây hay là tăng thêm rất nhiều?
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Lao động