Top

Xây trường học trên kho bãi lãng phí

Cập nhật 08/09/2009 08:15

Kho 338 đường Dương Bá Trạc, quận 8 - TPHCM sắp tới sẽ được sử dụng xây trường học. Ảnh: T.Thạnh.

Nếu được thông qua, đầu năm 2010, quận 8 - TPHCM sẽ khởi công 6 công trình trường học trên diện tích các kho bãi bị thu hồi.

Với 33 kho bãi có tổng diện tích hơn 58.000 m² sử dụng sai công năng, không đúng mục đích hoặc bỏ trống, quận 8 được xem là địa phương xếp nhất nhì TPHCM với nhiều khu đất “vàng” chưa được khai thác hiệu quả. Trong khi đó, quận 8 được xem là “vùng trũng” về cơ sở hạ tầng nên việc chuyển đổi công năng một số mặt bằng đã thu hồi để xây dựng các công trình công ích là việc làm cấp bách.

13 mặt bằng được thu hồi

Theo UBND quận 8, từ cuối năm 2008 đến nay, nhờ sự lên tiếng của HĐND, UBND TPHCM cũng như việc tích cực phối hợp của các cơ quan Trung ương, quận 8 đã thu hồi được 13 mặt bằng trống có diện tích hơn 40.000 m² là nhà xưởng, kho bãi của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương từng quản lý sử dụng. Số mặt bằng này cũng đã được UBND TP giao quận 8 quản lý sử dụng và cũng chấp thuận phương án của quận đưa ra: Phần lớn các mặt bằng này sẽ được chuyển đổi công năng thành 6 trường học (xây dựng, mở rộng và tách cấp). Riêng khu đất số 557 Bến Bình Đông, phường 13, quận 8 đề xuất xây dựng chung cư tái định cư và hiện có một nhà đầu tư đã đăng ký tham gia. Đặc biệt, khu đất số 503 Bến Bình Đông, phường 13 có diện tích 1.500 m², quận 8 đề nghị TP cho bán đấu giá để lấy kinh phí phục vụ việc di dời hàng ngàn căn hộ trên và ven kênh rạch theo chương trình của UBND TP.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 8, cho biết quận sẽ có tờ trình gởi HĐND TP xem xét chấp thuận thông qua danh mục đầu tư để TP ghi vốn xây dựng các trường học trên các mặt bằng quận thu hồi. “Nếu TP thông qua, quận sẽ khởi công các công trình trường học vào đầu năm 2010 nhằm đáp ứng chỗ học tập cho học sinh trên địa bàn”- ông Hải nói.
 

Trên địa bàn quận 8 có 159 kho bãi với diện tích gần 452.000 m². Các đơn vị Trung ương quản lý 38 kho và TP quản lý 99 kho. Trong đó có 33 kho bãi có tổng diện tích hơn 58.000 m² sử dụng sai công năng, không đúng mục đích hoặc bỏ trống. Kiểm tra vào đầu năm 2009, có 40 kho do các đơn vị sử dụng cho thuê lại (diện tích trên 71.000 m²) với giá 25.000 đồng/m²/tháng.

Ngoài những mặt bằng lãng phí được thu hồi, quận 8 còn chủ động yêu cầu các đơn vị quản lý điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch để sử dụng đúng mục đích những kho bãi nằm trong danh sách xử lý. Ông Hải khẳng định: “Quan điểm của quận là khuyến khích chủ đầu tư khai thác cao nhất giá trị khu đất nên sẽ không thu hồi hết mà vẫn giao lại cho họ quản lý nếu đưa ra phương án sử dụng hợp lý!”.

Còn nhiều vướng mắc

Trong số 33 kho bãi sử dụng sai công năng, không đúng mục đích hoặc bỏ trống, quận 8 cũng sẽ thu hồi 9 mặt bằng để xây dựng công viên cây xanh, công trình công cộng. Hiện có 6 đơn vị đã chủ động xin cho điều chỉnh quy hoạch 6 nhà kho theo khả năng đầu tư của đơn vị. Chẳng hạn, Trung tâm Nghiên cứu và Chế biến dầu khí xin chuyển công năng kho thành văn phòng nghiên cứu; kho của Công ty Lương thực TP đề nghị làm cửa hàng lương thực (hiện đơn vị này đã xin được giấy phép chuẩn bị khởi công xây dựng)...

“Mặc dù có nhiều kho bãi diện tích lớn nhưng đặc điểm lịch sử của các kho bãi trên địa bàn quận 8 là nằm ven kênh nên việc đầu tư xây dựng công trình sau khi thu hồi mặt bằng phải tính đến yếu tố quy hoạch. Đây là một hạn chế vì khi bỏ tiền đầu tư, đơn vị đầu tư phải bỏ kinh phí xây dựng bờ kè”- một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận 8 nhận định. Ngoài ra, việc kêu gọi đầu tư dự án nhà ở cũng đang là vướng mắc của chính quyền quận 8. Ông Hải cho biết hiện thị trường nhà đất còn đóng băng, giá đền bù theo giá thị trường, suất đầu tư trên một mét vuông xây dựng cao nên các đơn vị ít mặn mà đầu tư vào các khu đất mà quận kêu gọi. Ông Hải dẫn chứng: Hiện có 6 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng nhà ở trên đất của quận nhưng có vài đơn vị đưa ra yêu cầu quận phải mua quỹ nhà này sau khi xây dựng xong thì đơn vị mới yên tâm đầu tư. “Yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp là hợp lý nhưng quận rơi vào bế tắc vì không có nguồn kinh phí để mua quỹ nhà này!”- ông Hải nói.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động