Khu đất của công ty Sinco. |
Cái khó của việc thu hồi đất công là đụng chạm tới rất nhiều quyền lợi của các cơ quan đơn vị, nhưng nhiều vị có trách nhiệm lại cứ đổ lỗi do cơ chế. Bà Phạm Phương Thảo, chủ tịch HĐND TP.HCM thẳng thắn như vậy trong chương trình “Nói và làm” trên đài Truyền hình TP.HCM ngày 6.9.
Tại cơ chế
Ông Nguyễn Thành Chung, chủ tịch UBND quận 8 cho biết, hiện quận 8 có 159 kho bãi với tổng diện tích 451.000m2. Trong đó, chỉ có 61 kho sử dụng hiệu quả, số còn lại, quận đã kiến nghị thu hồi từ lâu. Gần chục năm nay, chật vật lắm nhưng cũng chỉ nắm được 18 kho. Mặc dù UBND thành phố, bộ Tài chính ra quyết định thu hồi từ tháng 12.2008 nhưng hầu hết các chủ quản lý và sử dụng đều không chịu trả hoặc chỉ chấp nhận giao trả khi dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt dự án và được ghi vốn. Điều này, theo lãnh đạo quận 8 là rất khó thực hiện bởi các cơ quan chức năng chỉ chấp nhận phê duyệt dự án, ghi vốn cho dự án khi đã có mặt bằng.
“Nguyên nhân sự chậm trễ, khó khăn trong việc thu hồi đất sử dụng lãng phí của quận 8 là do cơ chế. Nếu quận 8 có được cơ chế thoáng thì cũng sẽ làm tốt được như quận 4”, ông Chung nói.
Bà Đào Thị Hương Lan, giám đốc sở Tài chính, phản ứng: “Vướng vì cơ chế là vướng chung, khó chung, nhưng tại sao quận 4 lại làm rất tốt việc thu hồi kho bãi còn quận 8 lại không?”. Theo bà Lan, quận 8 nên xem lại cách làm của mình đã phù hợp chưa, sát thực tế chưa?
Hay do năng lực quản lý
Theo thống kê, hiện có 10.535 địa chỉ nhà đất, với tổng diện tích đất là gần 233 triệu mét vuông thuộc sở hữu nhà nước do các doanh nghiệp nhà nước và các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp Trung ương và địa phương quản lý.
Ông Nguyễn Văn Hồng, trưởng phòng quản lý kinh tế đất đai, sở Tài nguyên và môi trường (TN–MT), cho rằng trong số trên chỉ có khoảng 10% là sử dụng lãng phí, không đúng mục đích.
Không đồng ý, ông Huỳnh Công Hùng, phó ban Kinh tế - ngân sách HĐND thành phố lên tiếng: “Không biết sở TN–MT dựa vào đâu mà nhận định như vậy. Thực tế, chỉ cần đếm sơ sơ một vài khu đất của tổng công ty Lương thực miền Nam, Lương thực thành phố, Sinco, tập đoàn Bưu chính viễn thông cũng đã thấy diện tích lãng phí khủng khiếp như thế nào”. Ông Hùng dẫn chứng: khu đất nằm mặt tiền, rộng tới 60.000m2 trên đường Tô Hiến Thành được công ty Dược phẩm trung ương đem cho thuê nhiều năm trời; khu đất rộng 20.000m2 của công ty chế tạo máy Sinco bỏ hoang nhiều năm, hỏi sở TN–MT có biết?
Ông Hồng giải thích, báo cáo trên được sở TN–MT dựa trên kết quả kê khai của các phường, sau đó là sở đi kiểm tra. Sự chênh lệnh về con số có thể là do khi thống kê phòng tài nguyên các quận chỉ thống kê diện tích đất đem cho thuê chứ không thống kê diện tích toàn khu đất.
Còn khu đất của Sinco, theo ông Hồng, hiện rất khó xử lý vì được UBND thành phố ký cho thuê đến năm 2006. Và suốt từ năm 2004 đến nay, đơn vị này cũng liên tục có công văn xin điều chỉnh mục đích sử dụng, phê duyệt quy hoạch; đơn vị này cũng bỏ mấy tỉ đồng để xây dựng mặt bằng trên đó. Nên nếu nói họ bỏ hoang để mà thu hồi thì không hợp lý.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố phản bác: “Sở TN–MT không đi thực tế nên báo cáo như vậy. Cách đây không lâu, chúng tôi đã xuống khảo sát tận nơi, thấy đất bỏ hoang, không đầu tư xây dựng gì hết. Việc thu hồi chẳng khó khăn gì về pháp lý cả. Hạn thuê đất giữa công ty với thành phố đã hết từ lâu”. Ông Hoàng cho biết thêm, mặt bằng 20 Hồ Ngọc Lãm bị bỏ chìm trong biển nước, hoang hoá nhiều năm trời đáng lẽ phải thu hồi. Thế nhưng khi ban Kinh tế ngân sách đụng đến thì thành phố lại đồng ý với bộ Tài chính cho chủ đầu tư tiếp tục sử dụng. Trong khi ngay bên cạnh, quận 8 phải thu hồi 4,2 ha đất nhà cửa của dân để làm khu tái định cư.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, TP.HCM cho biết đã có quyết định thu hồi 165 địa chỉ nhà đất, tuy nhiên, trên thực tế con số thực hiện được mới là 32. “Năng lực thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước như thế là quá yếu”, ông Hoàng nói.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị