Bộ Xây dựng vừa ban hành Thông tư 03/TT-BXD hướng dẫn thi hành Nghị định 12/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Phóng viên Báo Đầu tư đã trao đổi với ông Chu Văn Chung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Xây dựng) về những điểm mới của Thông tư.
* Thưa ông, việc xác định chủ đầu tư đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước sẽ được thực hiện như thế nào?
Theo Thông tư 03/TT-BXD, đối với dự án do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan cấp bộ, chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư, thì người quyết định đầu tư giao đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm chủ đầu tư.
Trường hợp chưa xác định được đơn vị quản lý, sử dụng công trình hoặc đơn vị quản lý, sử dụng công trình không đủ điều kiện để tổ chức triển khai thực hiện dự án, thì người quyết định đầu tư giao đơn vị có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Đơn vị quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm cử người tham gia với đơn vị được giao làm chủ đầu tư trong việc tổ chức lập dự án, thiết kế, theo dõi, quản lý, nghiệm thu và tiếp nhận đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Người được cử tham gia với chủ đầu tư là người sẽ tham gia quản lý, sử dụng công trình sau này, hoặc người có chuyên môn phù hợp với tính chất của dự án.
* Với trường hợp không xác định được đơn vị để giao làm chủ đầu tư, thì việc xác định chủ đầu tư được thực hiện ra sao?
Trong trường hợp này, người quyết định đầu tư đồng thời làm chủ đầu tư, hoặc người quyết định đầu tư giao ban quản lý dự án do mình quyết định thành lập làm chủ đầu tư nếu ban quản lý dự án đó có tư cách pháp nhân và có đủ điều kiện tổ chức triển khai thực hiện dự án, hoặc người quyết định đầu tư thực hiện ủy thác thông qua hợp đồng với một tổ chức có đủ điều kiện làm chủ đầu tư.
* Tại Nghị định 12/2009/NĐ-CP, Chính phủ đã đồng ý cho phép thực hiện hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án. Ông có thể giải thích rõ hơn về quy định này?
Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án là hình thức chủ đầu tư sử dụng bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện dự án hoặc giao ban quản lý dự án do mình thành lập để tổ chức quản lý thực hiện dự án. Bộ Xây dựng đã thiết kế hai mô hình để thực hiện quy định này. Mô hình thứ nhất là chủ đầu tư không thành lập ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy hiện có để trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện dự án. Mô hình này được áp dụng đối với dự án quy mô nhỏ có tổng mức đầu tư dưới 7 tỷ đồng, khi bộ máy của chủ đầu tư kiêm nhiệm việc quản lý thực hiện dự án.
Mô hình thứ hai là chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án để trực tiếp tổ chức quản lý thực hiện dự án. Cụ thể, chủ đầu tư giao ban quản lý dự án quản lý thêm dự án mới. Trường hợp ban quản lý dự án không đủ điều kiện để quản lý thêm dự án mới, thì chủ đầu tư thành lập ban quản lý dự án mới để quản lý thực hiện dự án.
* Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 12/2009/NĐ-CP, nhiều chủ đầu tư tỏ ra băn khoăn khi thực hiện chuyển tiếp đối với việc thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và các công việc tiếp theo. Ông có thể giải thích rõ hơn về quy định này?
Trước khi Nghị định 12/2009/NĐ-CP có hiệu lực, các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được thẩm định nhưng chưa phê duyệt, các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai thực hiện, hoặc đang thực hiện dở dang, thì các thủ tục đã được thẩm định không phải thẩm định lại. Các bước tiếp theo thực hiện theo quy định của Nghị định 12/2009/NĐ-CP và quy định của Thông tư 03/TT-BXD.
Đối với dự án đã được phê duyệt trước ngày Nghị định 12/2009/NĐ-CP có hiệu lực, trong quá trình thực hiện dự án, trường hợp có sự điều chỉnh dự án làm thay đổi thiết kế cơ sở đã được thẩm định, thì chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư quyết định. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án gửi hồ sơ phần điều chỉnh dự án tới cơ quan quản lý nhà nước để tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở theo quy định của Nghị định 12/2009/NĐ-CP và quy định của Thông tư 03/TT-BXD.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư