Trong bối cảnh mà các ngành nông nghiệp, chế tạo, dịch vụ đang khó khăn hơn bao giờ hết thì kết quả hoạt động tốt của ngành xây dựng có thể đem lại mức tăng trưởng GDP khoảng 6,3% cho Việt Nam trong năm 2009, thay vì mức dự báo 5%.
Trong bản báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2009 sáng 07/04, ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề xuất những giải pháp căn cơ để VN có thể đối phó với tình hình suy giảm kinh tế.
Ngân hàng đã kiểm soát được tình hình tài chính
Theo báo cáo, chỉ số lạm phát năm 2009 của Việt Nam khoảng 8%, trong khi chỉ số này của năm 2008 là 20%, GDP sẽ duy trì ở mức 5,5%.
Dù bản dự báo này nhấn mạnh về những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt như sự tụt giảm xuất khẩu, thu hút FDI, thâm hụt cán cân thanh toán... song ông Martin Rama tỏ ra lạc quan đối với khả năng chống chọi với khủng hoảng kinh tế của Chính phủ VN.
Ông Martin khẳng định: Nguy cơ của cuộc khủng hoảng tài chính ở Việt Nam là thấp. "Điều này là do các ngân hàng VN không tiếp cận với các sản phẩm "độc hại" cũng như không nằm trong quyền kiểm soát của các ngân hàng nước ngoài trong diện rủi ro cao".
Mặt khác, những lo ngại trước đây về những vấn đề trong nước bắt nguồn từ việc cho vay đầu tư bất động sản thiếu thận trọng hồi cuối năm 2007 đầu năm 2008 đang dần lắng xuống. Hầu hết các khoản vay giải ngân trong giai đoạn "bong bóng" giá tài sản đều đến kỳ đáo hạn mà không cần phải tăng biên độ.
Các ngân hàng cổ phần lớn đều tăng vốn cổ đông, duy trì mức lợi nhuận và cải thiện danh mục đầu tư. Các ngân hàng nhà nước đã siết chặt cơ chế cho vay và thu lợi nhuận lớn thông qua việc mua lại trái phiếu bán ra bởi nhà đầu tư ngoại. Thậm chí khối ngân hàng cổ phần nhỏ và yếu hơn cũng thành công trong việc tăng vốn điều lệ lên mức tối thiểu theo quy định.
Cũng theo phân tích của ông Martin, nguy cơ khủng hoảng cán cân thanh toán cũng thấp. Thâm hụt thương mại trong 6 tháng vừa qua vào khoảng 2,2 tỷ USD, trong khi đó các luồng FDI, ODA và kiều hối đạt 16 tỷ USD trong năm 2008. Giải ngân vốn ODA có khả năng giảm mạnh trong năm 2009 tuy nhiên chưa có bằng chứng xác đáng để khẳng định điều này.
Thâm hụt thương mại năm 2009 ước tính ở mức thấp hơn và các luồng vốn ngắn hạn có thể hạn chế sự biến động của tỷ giá hối đoái.
"Thực tế là xuất khẩu giảm với mức sụt giá mạnh đối với hàng hóa xuất khẩu kể từ giữa năm 2008 và số lượng đơn đặt hàng thưa thớt đối với các sản phẩm may mặc, giầy dép và các sản phẩm khác cho thấy xu hướng xuất khẩu tiếp tục đi xuống. Tuy nhiên Việt Nam có thể bị ảnh hưởng ít hơn các nước khác là do khả năng cạnh tranh tốt, thông qua việc tăng trưởng thị phần", ông Martin giải thích.
Một tín hiệu lạc quan nữa về xuất khẩu cho thấy là, năm 2009, VN có thể sẽ được Mỹ xếp vào danh sách hưởng ưu đãi từ "hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập" cho phép những nước phát triển như VN có cơ hội dành những ưu đãi phổ cập, không phân biệt đối xử và không dựa trên các nền tảng có đi có lại.
Ngành xây dựng sẽ là "át chủ bài" kích thích tăng trưởng
Theo ông Martin Rama, năm 2009, chính sách tài khóa sẽ đóng vai trò chính trong tình hình khó khăn này. Nhìn bề mặt, bối cảnh tình tình tài chính không thay đổi trong năm 2008. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thực năm 2008 thấp hơn so với 2007 dẫn đến khả năng chính sách tài chính bị thắt chặt.
Nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhu cầu yếu ớt trên thị trường toàn cầu, điều này dẫn tới sức cầu trong nước thấp đi qua việc đóng cửa các xí nghiệp và sa thải nhân công.
Chính vì vậy, trong năm 2009, tín dụng ngân hàng và bảo lãnh vay với lãi suất thấp có thể kéo lại sức cầu do đầu tư thương mại đã cạn kiệt nguồn vốn. Tuy nhiên, tín dụng ngân hàng với mức lãi suất thấp không thể khuyến khích các DN sản xuất nếu như không có nhu cầu đối với các sản phẩm của họ.
"Sẽ hiệu quả hơn nếu tăng nhu cầu qua việc trực tiếp hỗ trợ các hộ gia đình và thực hiện các dự án đầu tư công và Xây dựng là ngành có khả năng bù đắp lớn nhất cho việc sụt giảm ngành sản xuất trong nước", ông Martin Rama gợi ý.
Theo giải thích của vị chuyên gia này, nếu cuộc khủng hoảng hiện nay ảnh hưởng nhiều đến VN giống như cuộc khủng hoảng Đông Á trước đây thì tỷ lệ tăng GDP có thể giảm xuống 5%. Song, kết quả hoạt động tốt của ngành xây dựng có thể đem lại mức tăng trưởng GDP khá hơn, khoảng 6,3%.
Mặt khác, để giải pháp này được thực hiện một cách có hiệu quả thì Chính phủ cần nỗ lực xây dựng cơ chế thu hút nguồn vốn ODA hiệu quả hơn, bởi đây là khoản tín dụng có ưu thế là lãi suất thấp và thời hạn trả nợ cũng kéo dài.
"Chính phủ nên sử dụng nguồn vốn này tập trung đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo động lực để phát triển sau này", ông Martin chia sẻ.
"Chính sách tiền tệ được đưa ra đúng lúc đã giảm thiểu tác động của các cú sốc từ biến động về giá cả trên thế giới và nhu cầu xuất khẩu, mặc dù tác động đó là do may mắn nhiều hơn là thiết kế của chính sách.
Mặt khác, tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn và các luồng vốn chững lại trong suốt năm 2008 đã khiến cho các chính sách tiền tệ trở nên hiệu quả." (Ông Martin Rama chuyên gia kinh tế của WB)
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News