Mục tiêu phấn đấu của tỉnh Cà Mau đến năm 2010 là nâng tỷ lệ đô thị hóa chung toàn tỉnh lên 25%, năm 2015 là 30% và đến năm 2020 là 40%. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU về vấn đề này, đến nay, việc phát triển mạng lưới đô thị ở Cà Mau vẫn chưa theo kịp tiến trình đô thị hóa.
Lộ trình xem ra còn lắm khó khăn do chưa có cơ chế chính sách đồng bộ và thiếu nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Nhìn lại sau 12 năm tái thành lập tỉnh, thực trạng đô thị tỉnh Cà Mau đến giờ này không khác trước bao nhiêu. 8 thị trấn đạt tiêu chuẩn đô thị loại V vẫn còn nguyên đó. Ngay cả huyện Ngọc Hiển được chia tách từ năm 2004 đến nay vẫn chưa xây dựng được thị trấn trung tâm huyện lỵ. Ngoại trừ TP Cà Mau được nâng cấp lên đô thị loại III và diện mạo của đô thị trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của tỉnh Cà Mau có nhiều khởi sắc.
Thiếu động lực phát triển
Những năm qua, Cà Mau tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển TP Cà Mau đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2010. Còn 2 đô thị động lực khác là thị trấn Sông Đốc và Năm Căn cũng được quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị để tiến đến đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2010, nhưng sự chuyển biến của 2 đô thị này vẫn chưa rõ nét. Nếu lấy mốc năm 2005, tỷ lệ đô thị hóa của Cà Mau đạt trên 20%, thì nay tỷ lệ này có nâng lên, nhưng sự dịch chuyển còn chậm.
Nhiều năm qua, tỉnh Cà Mau tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là các thị trấn, cụm kinh tế ven biển, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy quá trình phát triển của địa phương. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, kinh tế chậm phát triển, đến nay Cà Mau vẫn còn là một tỉnh mang đậm dấu ấn là tỉnh nông nghiệp. Tỷ lệ đô thị hóa của Cà Mau còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
Theo đánh giá, thực trạng đô thị trong tỉnh còn nhiều hạn chế, yếu kém như: chất lượng đô thị còn thấp, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, công nghiệp - dịch vụ phát triển chậm. Vệ sinh môi trường đô thị kém, hệ thống thoát nước chưa đảm bảo. Hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng chưa đáp ứng yêu cầu. Nếp sống văn minh đô thị, ý thức tuân thủ pháp luật trong sinh hoạt, đời sống của cộng đồng dân cư còn thấp, nhất là công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều yếu kém. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền chưa theo kịp yêu cầu của sự phát triển.
Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay nhưng chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Vấn đề đáng quan tâm nhất là Cà Mau chưa có động thái tích cực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các trung tâm cụm, xã, tuyến dân cư tập trung, các cụm kinh tế ven biển trọng điểm...
Thị trấn Sông Đốc - cụm kinh tế biển trọng điểm nhất của Cà Mau, mật độ dân số sống tập trung khá đông, trên 32.000 người. Thế nhưng không gian đô thị chật hẹp, các cơ sở thương mại và dịch vụ phân tán, xen kẽ trong khu dân cư; nhà cửa xây cất tự phát, chen chúc, hơn 80% nhà ở tạm bợ và bán kiên cố; một số khu vực trong thị trấn đã quá tải về dân cư. Theo khảo sát mới đây, mật độ dân cư thị trấn Sông Đốc cao nhất tỉnh, bình quân 958 người/km2, cao hơn cả TP Cà Mau. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ nên thị trấn Sông Đốc hiện đang đối mặt với 2 vấn đề lớn là hệ thống giao thông bộ trong nội ô và vấn đề ô nhiễm môi trường khá trầm trọng.
Tăng tốc đầu tư
Trong điều kiện hiện nay, yêu cầu trước mắt là tỉnh Cà Mau phải có chính sách thông thoáng, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển các trung tâm thương mại - du lịch - dịch vụ, khu - cụm công nghiệp. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN Khánh An, Hòa Trung, Sông Đốc, Năm Căn, tỉnh Cà Mau phải nhanh chóng có định hướng quy hoạch phát triển các trung tâm xã, các cụm, tuyến dân cư tập trung và cụm kinh tế ven biển. Tiến tới hình thành các trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội ở những địa bàn có điều kiện thuận lợi, làm cơ sở để sau này đầu tư, nâng cấp, mở rộng, trở thành đô thị mới.
Mục tiêu phấn đấu của tỉnh, đến năm 2020 mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh có 1 TP, 2 thị xã và 24 thị trấn; trong đó 18 thị trấn mới theo quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính cấp huyện, xã của tỉnh Cà Mau. Thực hiện mục tiêu này, ngoài việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, phải có chiến lược đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, bằng cách tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, vốn ODA, vốn các thành phần kinh tế và vốn huy động trong nhân dân. Tập trung đầu tư theo thứ tự ưu tiên, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, không đồng bộ, kém hiệu quả. Phải có chính sách, giải pháp đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ gắn với giải quyết việc làm; đẩy mạnh phát triển KT-XH, thúc đẩy các ngành nghề mới ở các khu đô thị; đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đủ sức thực hiện vai trò quản lý Nhà nước về đô thị.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, Cà Mau mới đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa theo mục tiêu đề ra.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng