Top

Huyện Mê Linh Từng bước đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp

Cập nhật 07/04/2009 10:35

Là huyện ngoại thành mới sáp nhập về Hà Nội và đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhiều khu công nghiệp, lại thuận tiện giao thông... do vậy, đất ở Mê Linh "sốt" mạnh.

Hai năm trở lại đây, nhiều người dân ở các nơi khác đã tìm đến vùng này mua đất, nhằm kiếm lời và đẩy giá đất ở Mê Linh mỗi lúc một cao. Đất có giá, đã kéo theo những khiếu nại, tố cáo, vướng mắc... xoay quanh đất đai đã xảy ra. Trong các giải pháp chấn chỉnh công tác quản lý đất đai thì cấp "sổ đỏ" cho dân được coi là cứu cánh thế nhưng, ở Mê Linh, việc cấp "sổ đỏ" cũng đang là bài toán khó.

Tiến độ quá chậm

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Trần Thanh Cảnh, Bí thư Huyện ủy Mê Linh cho biết: Trên địa bàn toàn huyện có hơn 37.000 hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở nông thôn. Trong đó, có 23.808 hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 64,14%. Trong năm 2008, huyện đã cấp được 582 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo đánh giá, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở Mê Linh đạt số lượng rất thấp. Hệ thống hồ sơ địa chính ở cấp xã, huyện không đầy đủ, thiếu đồng bộ; đặc biệt là việc ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất chưa kiên quyết, kịp thời ngay từ cơ sở nên đã để xảy ra những tồn tại kéo dài.

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Mê Linh cho rằng: Việc cấp "sổ đỏ" còn chậm là do công tác lập, xét duyệt hồ sơ tại các xã, thị trấn còn rất khó khăn, hạn chế và do hồ sơ địa chính ở huyện và các xã, thị trấn trước đây không đầy đủ, thiếu đồng bộ (chủ yếu tồn tại từ năm 2004 trở về trước). Từ ngày có quy định thu tiền lệ phí trước bạ đến nay, khi cấp giấy lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, huyện Mê Linh không thực hiện thu lệ phí trước bạ đối với trường hợp thửa đất được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất như đất cha ông để lại, đất được sử dụng ổn định từ trước ngày 15/10/1993.

Ngoài ra, còn có nhiều trường hợp UBND xã giao đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích đất ở trước ngày 15/10/1993 và sau ngày 15/10/1993 (có biên lai thu tiền để được sử dụng đất) nhưng người sử dụng đất chưa xây dựng nhà ở, không sử dụng liên tục vào mục đích đất ở đến thời điểm cấp giấy chứng nhận; một số trường hợp đất đổi đất để xây dựng các công trình phúc lợi nhưng UBND cấp xã không thực hiện đúng thủ tục, trình tự theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, ở một số nơi còn xảy ra tình trạng UBND cấp xã, lãnh đạo thôn, hợp tác xã thu tiền sử dụng đất thổ cư của hộ gia đình, cá nhân nhưng đến nay vẫn chưagiao đất, gây bức xúc đối với người dân.

Hướng giải quyết

Ông Thành cho biết: Huyện sẽ tích cực chỉ đạo công tác này để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện chế độ giao đất cho các hộ gia đình có đủ điều kiện được giao đất làm nhà ở…

UBND huyện Mê Linh cũng đã chỉ đạo phòng TN&MT và UBND các xã, thị trấn, từ nay đến cuối năm 2010, phải tập trung tổ chức thực hiện để hoàn thành việc cấp 20.200 giấy, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và thực hiện quyền của người sử dụng đất. Theo đó, huyện sẽ xây dựng hoàn chỉnh bộ hồ sơ địa chính, từng bước đưa công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, ổn định và có tính hệ thống. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2009, huyện dự kiến cấp 11.785 giấy, tập trung nhiều nhất ở các xã: Tiền Phong (1510 giấy), Quang Minh (1.040 giấy), Kim Hoa (1000 giấy), Tiến Thịnh (800 giấy)…

UBND huyện cũng giao trách nhiệm cho từng phòng, ban liên quan, đặc biệt là các cấp chính quyền cơ sở. Theo đó, từ tháng 4/2009, các xã, thị trấn phải hoàn thành việc xét duyệt, lập hồ sơ cấp GCN đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân theo kế hoạch hàng tháng. Trong đó, tập trung lập trước hồ sơ đối với trường hợp sử dụng đất ổn định đã được thể hiện trong hồ sơ địa chính và các trường hợp có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất (theo quy định tại khoản 1,2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai). Trước ngày 15 hàng tháng, UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm xét duyệt, hoàn chỉnh hồ sơ đối với các trường hợp đủ điều kiện và gửi hồ sơ đến phòng Tài nguyên và Môi trường. Đối với trường hợp không đủ điều kiện thì UBND xã, thị trấn tiến hành thẩm tra giải quyết theo quy định, lập danh sách nêu rõ lý do và trả lại hồ sơ cho người sử dụng đất…

DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị