Top

Việc giải quyết quyền lợi “treo” theo quy hoạch cũng bị “treo”

Cập nhật 24/10/2008 01:00

Quốc hội vừa đưa ra thảo luận dự án Luật Quy hoạch đô thị, trong đó nhiều ý kiến cho rằng dự thảo chưa đáp ứng được những yêu cầu bức xúc của thực tế. Điểm lại tình hình này tại TPHCM, chúng tôi thấy đã có hàng loạt kiến nghị được đề đạt nhằm xóa “treo” quyền lợi của người dân trong các khu vực quy hoạch “treo”… vẫn chưa được giải quyết.

Khi nào không cần xin cấp phép xây dựng?

Theo quy hoạch chung, huyện Bình Chánh sẽ có khoảng 10.000 ha đất nông nghiệp đến năm 2020. Với quỹ đất nông nghiệp này, UBND huyện Bình Chánh đang vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hạn chế để đất hoang hóa. Thế nhưng, việc xin phép xây dựng các công trình cho công cuộc chuyển đổi này gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Quý Cường cho biết, ông đang rất muốn xây dựng nhà tạm, xưởng tạm trên khu đất 3.000m2 tại mặt tiền quốc lộ 1A (huyện Bình Chánh) của mình và đã cam kết tháo dỡ khi giải tỏa nhưng chính quyền địa phương chưa quyết vì “phải xin ý kiến của TP”. Ông Huỳnh Tấn Tiến (xã Vĩnh Lộc A) đang sản xuất giống cây lâm nghiệp cũng cho biết đang muốn làm một cái chòi để người nhà trông nom trại nhưng băn khoăn không biết có cần phải xin cấp phép xây dựng (CPXD) không?

Theo một lãnh đạo huyện Bình Chánh, đó là một trong những khâu còn vướng trong công tác CPXD. Hiện nay, việc CPXD đối với dạng công trình trang trại, xây dựng nhà kính phục vụ trồng trọt, chuồng trại chăn nuôi gia súc - gia cầm, khu chứa nông sản, chòi giữ vườn, cơ sở ươm tạo cây giống… vẫn chưa có quy định cụ thể. Có cần xin phép hay không, quy mô thế nào thì mới cấp phép vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời - vị này nói. Những vướng mắc này cũng đã được nêu ra tại buổi làm việc với Sở Xây dựng TP về các vấn đề liên quan đến xây dựng của huyện Bình Chánh mới đây.

Đại diện Phòng CPXD cho biết, Sở Xây dựng sẽ có công văn kiến nghị UBND TP chấp thuận cho các công trình nêu trên chỉ cần đăng ký xây dựng tạm với UBND xã mà không cần phải xin CPXD. Tuy nhiên, các trường hợp trên chỉ áp dụng đối với những hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Thế nhưng, khi được hỏi quy mô của công trình như thế nào thì không cần phải xin CPXD? Sở Xây dựng cho biết, hiện sở được giao phối hợp với Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đang bàn (?!).

Được đầu tư 5 - 10 năm trong khu quy hoạch “treo”?

Ông Lê Minh Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, nhiều dự án đã trên 10 năm, chủ đầu tư chưa đền bù nhưng huyện xin thu hồi đất lại không được. Đời sống người dân trong khu quy hoạch cơ cực, nhà cửa xập xệ mà không được làm gì. Thậm chí, họ xin sửa chữa, xây dựng tạm và cam kết tháo dỡ khi thực hiện quy hoạch nhưng vẫn không được cho phép. “Luật Đất đai quy định dự án trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm không thực hiện sẽ kiến nghị thu hồi nhưng chưa có dự án nào được thu hồi theo quy định đó” - ông Huệ bức xúc. Trên địa bàn huyện Bình Chánh, diện tích đất nông nghiệp lớn nhưng lại có nhiều dự án “treo”, trong đó nhiều dự án kéo dài 5 - 10 năm như: Hồ sinh thái Vĩnh Lộc, Khu tiểu thủ công nghiệp An Hạ, Tái định cư Bến xe miền Tây…nên tình trạng xây dựng trái phép diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là trên địa bàn các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B...



Nhà nằm trong hành lang kênh rạch
chưa có kế hoạch di dời không được
sửa chữa. Ảnh: Huy Anh.

Quy định người dân trong khu vực quy hoạch không được sửa chữa, xây dựng nhà đã gây khó khăn cho người dân, nhất là những trường hợp thuộc diện gia đình nghèo, các trường hợp tái định cư, gia đình đông con muốn cho con ra ở riêng trong phạm vi hạn mức đất ở có mục đích sử dụng là thổ vườn, thổ cư, thổ ao, thổ màu, xây dựng mới hoặc cải tạo trên nền nhà cũ đã sử dụng trước ngày 15-10-1993 hoặc trước 1-7-2004 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực).

Hiện nay, những trường hợp này tại khu Nam Sài Gòn bị vướng rất nhiều. Thêm một trường hợp phổ biến nữa là có rất nhiều căn nhà bằng tranh, tre, nứa… nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ sông - kênh rạch và lộ giới tuyến đường… hiện vẫn chưa có kế hoạch di dời nên người dân vẫn đang tiếp tục sử dụng.

Theo quy định thì các trường hợp vi phạm hành lang này chỉ được phép sửa chữa theo hiện trạng, tức là chỉ sửa chữa ở dạng nhà tranh, vách lá nên môi trường sống không đảm bảo vệ sinh, nhếch nhác và không đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Bà Lê Thị H. (ấp 4, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) bức xúc cho biết: Sống trong ngôi nhà được cất bằng tre - nứa xập xệ gần cả hai năm nay, nhưng xin sửa chữa nhà có cấu trúc vách gạch, mái tôn để đảm bảo cuộc sống thì không được, dù cam kết sẽ tháo dỡ khi thực hiện quy hoạch.

Không riêng gì huyện Bình Chánh, quận Bình Tân hiện đã gần phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2.000, nhưng Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Huỳnh Văn Biết nhận định: “Công tác quy hoạch là định hướng cho tương lai nhưng việc đầu tư cần phải thực hiện theo trình tự thủ tục nên sẽ khó tránh được tình trạng quy hoạch “treo””. Từ đó, để tránh “treo” quyền lợi của người dân, UBND quận cũng đã kiến nghị những công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, khi chưa xác định kế hoạch và chủ trương đầu tư thì cho phép người dân và nhà đầu tư thuê ngắn hạn (5 - 10 năm) xây dựng công trình, kho bãi với kết cấu lắp ghép tạm và cam kết tháo dỡ khi thực hiện quy hoạch.

Được biết, Sở Xây dựng TP đã hoàn thành dự thảo sửa đổi Quyết định 04 của UBND TP. Nhưng do Bộ Xây dựng cũng đang hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định số 16/2005/NĐ-CP và Nghị định số 112/2006/NĐ-CP nên TP ngưng lại để khỏi chồng chéo. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi sửa đổi 2 nghị định trên, TP cũng cần nhanh chóng xem xét các kiến nghị của địa phương để đảm bảo quyền lợi của người dân.

>Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII: Chính phủ trình dự án Luật Quy hoạch đô thị


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng