Theo Luật Kinh doanh BĐS, Nghị định 153/2007/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 13/2008/TT-BXD ngày 21/5/2008 của Bộ Xây dựng, từ ngày 1/1/2009, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS bắt buộc phải thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua BĐS thông qua sàn giao dịch.
Theo đó, sàn giao dịch có thể do mình tự thành lập hoặc lựa chọn sàn giao dịch BĐS do đơn vị khác thành lập để giới thiệu BĐS và thực hiện các giao dịch BĐS đó. Sàn giao dịch phải công khai các thông tin về BĐS cần bán, chuyển nhượng, cho thuê (có mẫu cụ thể) để khách hàng biết và đăng ký giao dịch. Thời gian công khai tối thiểu tại sàn là 7 ngày.
Đối với các sàn giao dịch, ngoài việc người quản lý phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý thì sàn giao dịch còn phải có tối thiểu hai nhân viên môi giới có chứng chỉ và hai nhân viên định giá BĐS…
Theo đánh giá của đại diện Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), sàn giao dịch BĐS ra đời sẽ góp phần làm tăng tính minh bạch của thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ tạo ra sự khan hiếm hàng hoá giả tạo trên thị trường. Hạn chế được tình trạng trốn thuế của các chủ đầu tư cũng như những tiêu cực trong hoạt động mua bán bất động sản.
Bàn đến vấn đề này, đại diện một sàn giao dịch bất động sản khác ở Hà Nội cũng cho biết, đối với một sàn giao dịch, điều đáng quan tâm nhất là chất lượng, quy chế, điều lệ hoạt động.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, giám đốc Xí nghiệp Đầu tư kinh doanh và tư vấn nhà đất 1, việc quy định đưa giao dịch bất động sản qua sàn là đúng và hợp lý. Các sàn giao dịch có đủ các chức năng, có điều kiện thu thập các thông tin tốt nhất nên người mua không cần phải qua các trung tâm môi giới nữa. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho người có nhu cầu. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có quy định đầy đủ, cụ thể về việc này. Ngay cả việc cấp chứng chỉ cho nhân viên môi giới cũng còn chưa hoàn tất.
Điều mà nhiều người quan tâm là hiện vẫn chưa có chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp không giao dịch qua sàn. Các thông tin được sàn cung cấp minh bạch hay không cũng chưa có những chế tài cụ thể. Các mức xử lý, xử phạt thế nào thì sẽ được áp dụng khi dự thảo sửa đổi Nghị định 126/2004/NĐ-CP về xử phạt các hành vi vi phạm trong hoạt động xây dựng… được ký ban hành. Theo dự thảo, các tổ chức, cá nhân không giao dịch qua sàn sẽ bị phạt từ 50 - 60 triệu đồng/giao dịch, bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh nếu tái phạm.
Ngoài ra, các giao dịch nhà đất của các doanh nghiệp không thông qua sàn sẽ không được đăng ký. Có nghĩa là sản phẩm nhà, đất đó sẽ không được công nhận quyền sở hữu (cấp giấy chứng nhận) và tất nhiên không thể sang tên khi mua bán. Mức phạt từ 70 đến 80 triệu đồng áp dụng trong trường hợp có vi phạm về nguyên tắc hoạt động môi giới, định giá, quản lý. Đối với hành vi giả mạo chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản, sẽ chịu mức phạt cao nhất là 90 triệu đồng và bị cấm hành nghề trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bị xử phạt…
Điểm đáng lưu ý nữa là các sàn được quyền xác nhận vào giấy tờ mua bán thay cho công chứng, như hồ sơ pháp lý chính thức để người giao dịch thực hiện các thủ tục khác, nhưng nếu không quản lý tốt có thể dẫn tới tiêu cực. Có chuyên gia cảnh báo rằng, nếu xảy ra hiện tượng tất cả các sàn liên kết lại thành một hội thì phí đăng ký qua sàn có nguy cơ bị đội lên rất cao, khi ấy không phải người nào muốn bán cũng đưa ra sàn được. Vì vậy, rất cần có những chế tài cụ thể sớm được ban hành để người mua bất động sản không bị "bắt chẹt", để các sàn minh bạch hoạt động có hiệu quả.
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh Tế Đô Thị