Top

10 sự kiện bất động sản tiêu biểu trong năm 2008 (Phần 1)

Cập nhật 01/01/2009 10:58

Năm 2008 là một năm đầy biến động, khiến bức tranh của thị trường bất động sản có đủ cả gam màu tối-sáng. Chuyên trang DiaOcOnline.vn điểm lại 10 sự kiện về thị trường BĐS được quan tâm nhiều nhất trên mạng lưới truyền thông trực tuyến trong năm qua.

1. Mở rộng thủ đô Hà Nội

Vào 17 giờ chiều ngày 29-5-2008, 92,6% tổng số các Đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thuận thông qua Nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính Thành phố Hà Nội. Nghị quyết trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2008. Theo đó, Thủ đô Hà Nội mới sẽ có diện tích tự nhiên là 334.470,02 ha và dân số hiện tại là 6.232.940 người, trong đó bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Thành phố Hà Nội cũ, tỉnh Hà Tây cũ, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và bốn xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình và Yên Trung của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình).

Ngày 26.12.2008 hợp đồng tư ấn lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội mở rộng cũng đã được ký kết giữa Bộ Xây dựng và Liên danh Perkins Eastman, Posco E&C và Jina Architect (Hàn Quốc - Hoa Kỳ). Thủ đô Hà Nội sẽ được quy hoạch với ý tưởng nhấn mạnh đến sự phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng đến tương lai.

2. Biến động giá vật liệu xây dựng

Năm 2008 đánh dấu một năm đầy biến động của thị trường vật liệu xây dựng (VLXD). Theo đà tăng từ cuối tháng 12-2007, giá các loại VLXD đã nhanh chóng bứt phá vào đầu năm 2008 để thiết lập mặt bằng giá mới. Giá xi măng, sắt thép… bị đẩy lên cao chót vót ở nửa năm đầu và nhanh chóng tuột dốc ở nửa năm còn lại khiến thị trường căng lên như dây đàn.



Giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến nhiều công trường
đang xây dựng dở dang bị ngưng lại.


Thị trường xi măng đã trải qua một năm đáng nhớ khi bắt đầu khoảng giữa tháng 4, thị trường này phải chứng kiến một đợt sốt xi măng kéo dài gần 2 tháng khiến giá xi măng bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Việc khan hiếm xi măng, đặc biệt là ở khu vực phía Nam đã dẫn tới tình trạng người mua phải chầu chực trong nhiều ngày mới có thể mua được xi măng với số lượng rất hạn chế. Tuy nhiên, sau đợt tăng giá trên, thị trường xi măng đã bắt đầu “lạnh” trở lại bởi lượng tiêu thụ thấp và giá giảm liên tục.

Tương tự như vậy, vào những tháng đầu năm, giá phôi thép trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, thị trường thép vốn đã nóng lại càng thêm nóng. Và đến giữa năm, thị trường này đã xảy ra hiện tượng lạ là các doanh nghiệp trong nước ồ ạt “xuất khẩu ngược” phôi thép khiến cho Bộ Tài chính phải liên tục tăng thuế xuất khẩu để hạn chế tình trạng trên. Cho đến tháng 7, giá thép trong nước đã bị đội lên đến mức kỷ lục 21-22 triệu đồng/tấn khiến người xây nhà và chủ đầu tư công trình chới với đứng ngồi không yên. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 1 tháng sau, thị trường thép đã có sự đảo chiều, giá thép rớt thê thảm và phải nằm chờ người mua. Sức tiêu thụ thép trong tháng 9 đã giảm hơn 50% so với những tháng đầu năm khiến thị trường thép lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn.

Bước vào tháng 11, tình hình tiêu thụ thép đã có chút chuyển biến do nhu cầu xây dựng tăng nhẹ. Mức giá các loại thép hiện đã nhích lên đôi chút và các doanh nghiệp thép đang nuôi hy vọng thị trường thép dần bước ra khỏi bức tranh tối màu đã kéo dài quá lâu.

3. Giao dịch bất động sản phải thông qua sàn

Luật kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1-1-2007 quy định các tổ chức, cá nhân khi mua bán, chuyển nhượng, cho thuê bất động sản buộc phải thông qua sàn giao dịch. Việc quy định giao dịch bất động sản phải thông qua sàn là một bước đi quan trọng trong quá trình hoàn thiện cơ cấu thị trường nhà đất. Sàn giao dịch sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ cho mọi đối tượng đạt được sự thuận lợi tối đa trong việc nắm thông tin nhà đất, từ đó sẽ hạn chế tình trạng đầu cơ, kích giá và những rủi ro trong thủ tục, hồ sơ, tính pháp lý…


Bên cạnh đó, việc lập sàn giao dịch sẽ khiến cho nhà nước tránh thất thu thuế vì giao dịch qua sàn sẽ hạn chế được tối đa tình trạng mua bán nhà đất với giá ảo. Sàn giao dịch bất động sản ra đời giúp cho thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh thông qua việc công khai và minh bạch hoạt động mua bán. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi giao dịch đều phải thông qua sàn, vì chỉ có giao dịch mua bán của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là phải qua sàn, còn giao dịch của người dân thì không cần thiết phải qua sàn.

Năm 2008, mặc dù thị trường bất động sản vẫn còn trong tình trạng “đóng băng” ảm đạm nhưng cuộc đua mở sàn giao dịch bất động sản lại diễn ra “nóng” hơn bao giờ hết. Hàng loạt các sàn giao dịch đã được thành lập trên khắp cả nước và chờ đợi cơ hội kinh doanh một khi thị trường hồi phục.

4. Ngân hàng xiết chặt cho vay bất động sản

Sau khi đã rất mạnh tay rót vốn vào lĩnh vực bất động sản, bắt đầu từ tháng 2-2008, các ngân hàng bắt đầu xiết lại nguồn tín dụng đối với bất động sản sau khi ngân hàng nhà nước thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ và kiểm soát chặt tình trạng dư nợ bất động sản. Và từ tháng 6 đến nay, nhiều ngân hàng đã ngừng cho vay bất động sản cùng với việc ra sức thu hồi nợ khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ diễn ra một đợt giải chấp lớn làm căng thẳng thêm bầu không khí u ám của thị trường nhà đất những tháng cuối năm.

Tuy nhiên, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước con số dư nợ bất động sản vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhiều ngân hàng đã thực hiện phương châm cùng đồng hành với khách hàng giải quyết khó khăn nên cho đến tận thời điểm hiện nay vẫn chưa có một cuộc giải chấp đồng loạt nào diễn ra. Hơn thế nữa, ngân hàng cũng đã bày tỏ thiện ý của mình bằng cách dần hạ lãi suất và mở cửa cho vay trở lại đối với những dự án bất động sản khả thi.

Thế nhưng, dẫu ngân hàng có hé cửa cho vay vốn đầu tư vào bất động sản, cánh cửa trên vẫn còn rất hẹp và thị trường nhà đất hiện tại chưa có sự chuyển biến nào đáng kể. Mặc dù ngân hàng đã nhiều lần hạ lãi suất cho vay nhưng theo các doanh nghiệp thì với mức lãi suất vẫn còn quá cao như thế sẽ không đối tượng nào dám vay tiền để mua hoặc đầu tư xây dựng nhà ở trong thời điểm thị trường bất động sản đóng băng hiện nay.

Lam Hà - DiaOcOnline.vn
Ảnh: DiaOcOnline.vn

>> 10 sự kiện bất động sản tiêu biểu trong năm 2008 (Phần 2)