Top

Loay hoay chính sách nhà thu nhập thấp

Cập nhật 22/08/2011 10:45

Thông tin cho hay Quỹ Tiết kiệm nhà vừa được cơ quan thẩm quyền thông qua. Có thể xem đây là tin vui vì đó là hình thức hỗ trợ cho người thu nhập thấp vay mua nhà. Nhưng…

Một căn hộ thu nhập thấp tại quận 12, TP.HCM - Ảnh: CTV

Góp 1-2% tiền lương tháng

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, Quỹ Tiết kiệm nhà ở để người thu nhập thấp vay mua nhà và được xây dựng giống như hình thức bảo hiểm xã hội. Mức đóng góp dự kiến khoảng 1 - 2% tiền lương hàng tháng của người lao động. Sau khi quỹ tích được số vốn nhất định sẽ mở cho vay với mức lãi suất thấp. Người vay phải đảm bảo một số điều kiện nhất định. Ngoài ra Quỹ Tiết kiệm nhà ở cũng dành số vốn nhất định để ưu tiên cho các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội vay.

Thật ra đây không phải là lần đầu tiên hình thức tiết kiệm về nhà ở được triển khai.

Trước đó năm 2008, tại TP.HCM, Liên minh Hợp tác xã nhà ở T. đã được thành lập với bốn hợp tác xã thành viên. Đây là một tổ chức độc lập do xã viên tự nguyện tham gia làm chủ và kiểm soát. Các xã viên phải đóng góp vốn vào hợp tác xã nhà ở để được chia lợi nhuận từ kết quả hoạt động của hợp tác xã một cách công khai, công bằng.

Theo kế hoạch, hợp tác xã này sẽ vận động thành lập hợp tác xã tại các chung cư, vận động 15 hợp tác xã tham gia chương trình nhà ở và phát triển 10 thành viên liên kết là các doanh nghiệp, công ty…Tuy nhiên trong vòng hai năm qua, hiệu quả của mô hình hoạt động trên ra sao chưa được đề cập cũng như chưa thấy tổng kết, rút kinh nghiệm.

TP.HCM cũng là một trong những địa phương đầu tiên có Quỹ Phát triển nhà ở. Quỹ này hoạt động theo hình thức cho người thu nhập thấp (chủ yếu là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang…) vay tiền với lãi suất thấp để mua nhà ở và mức vay cũng bị khống chế ở tỷ lệ nhất định (400 triệu đồng/trường hợp), gần như tương ứng với tỷ lệ định giá của các ngân hàng khi cho người dân thế chấp nhà, vay tiền. Tuy nhiên qua nhiều năm hoạt động, số người được vay không nhiều. Một trong những lý do khiến ít người được vay là các điều kiện qui định người vay phải phải có số tiền tích tũy nhất định mà rất ít người có được, mặt khác thời gian vay tối đa chỉ 15 năm. Như vậy nếu được vay tiền thì với thời gian trên mỗi tháng vừa trả vốn, vừa trả lãi… cũng vượt khả năng của nhiều người thu nhập thấp.

Cần sự hỗ trợ của nhà nước

Thông tin cho biết hiện cả nước có khoảng 7 triệu người tại các khu đô thị đang có nhu cầu thuê và thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích xấp xỉ 150 triệu m2. Để xây dựng với diện tích như trên cần đầu tư từ 300.000-400.000 tỷ đồng. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng diện tích nhà ở trên chỉ như “muối bỏ bể” khi nhu cầu về chỗ ở của người dân tại các khu đô thị đang ngày càng trở nên bức thiết.

Do vậy đề xuất trên của Bộ Xây dựng trong thời điểm hiện nay thể hiện sự quan tâm của cơ quan chức năng đối với nhà ở cho người thu nhập thấp. Vấn đề là thực hiện ra sao.

Lấy một ví dụ: mức bình quân thu nhập của cán bộ công chức hiện nay là 5 triệu đồng (chưa kể người thu nhập thấp là người lao động bên ngoài có mức lương ít hơn). Nếu lấy 2% lương tháng của 5 triệu đồng để góp vào Quỹ Tiết kiệm nhà thì một tháng mỗi người góp 100.000 đồng. Như vậy để mua một căn nhà (căn hộ) giá khoảng 1 tỷ đồng thì phải cần… 10.000 người với số tiền góp như trên. Và để mua ba căn nhà thì cần đến 30.000 người góp! Một con số khổng lồ.

Đó là chưa kể việc “xoay tua” mua nhà trong số 30.000 người trên sẽ thực hiện ra sao?...

Việc nêu ví dụ trên để cho thấy để có nhà ở, bản thân người thu nhập thấp khó có thể tự xoay sở được với nhà ở. Và bên cạnh việc thành lập Quỹ Tiết kiệm nhà, cần có thêm chính sách hỗ trợ của nhà nước.

N.Tâm - DiaOcOnline.vn