Top

Mở rộng đường sắt - mũi đột phá giao thông

Cập nhật 21/08/2011 09:05

Tân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đảm bảo chưa làm mới đường sắt mà tập trung nâng cấp đường sắt hiện có bằng việc mở rộng khổ đường lên khổ tiêu chuẩn 1,435 m.

Nước ta nằm trong lục địa không bị ảnh hưởng bởi núi lửa, động đất, sóng thần, có một hệ thống giao thông đường bộ phủ khắp toàn quốc; hệ thống cảng biển phủ khắp bờ biển và hải đảo. Hệ thống đường sắt chạy dọc đất nước; hệ thống sân bay lớn nhất ASEAN với trên 50 sân bay. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc để phát triển mạng lưới giao thông đường thủy.

Hỗn loạn giao thông: Một nghịch lý

Đường sắt quốc gia được coi là loại hình giao thông chiến lược, chủ lực, hiện đại phải đảm đương thị phần vận tải cao nhất. Thế nhưng hiện nay đường sắt khổ 1 m lạc hậu đang rệu rã xuống cấp, chỉ còn đảm đương được 6% thị phần vận tải, thua xa cả vận tải đường sông. Vậy mà hiện nay Tổng Công ty ĐSVN đang cho kiên cố hóa toàn bộ hệ thống bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực khổ 1 m. Điều này có thể kéo dài sự lạc hậu của đường sắt quốc gia và lãng phí gần 2 tỉ USD vốn đầu tư.

Hàng không với lợi thế đứng đầu các nước ASEAN nhưng năng lực chuyên chở chỉ đạt 12 triệu hành khách/năm, chỉ giành được 12% thị phần. Ngành vận tải biển thị phần cũng chỉ đạt 10%. Như vậy, cả ba ngành giao thông vận tải công cộng chủ lực chỉ còn đảm đương được 28% thị phần, còn lại thị phần hành khách và hàng hóa khác dồn lên đường bộ và đường sông mà đường bộ là chủ yếu phải gánh 71%. Trong khi diện tích của hạ tầng giao thông đường bộ có giới hạn thì phương tiện giao thông tư nhân phát triển ồ ạt gây hỗn loạn và tai nạn giao thông là một tất yếu không thể tránh khỏi. Đại họa tai nạn giao thông với mỗi năm trên 12.000 người chết, hàng vạn người khác bị thương, thiệt hại kinh tế hơn 1 tỉ USD.

Đường sắt khổ tiêu chuẩn. (Ảnh tư liệu)

Mở rộng đường sắt để thay đổi cơ bản thị phần vận tải

Hỗn loạn giao thông và đại họa tai nạn giao thông ở Việt Nam có nguyên nhân cơ bản từ sự quá tải nghiêm trọng trên đường bộ do bốn loại hình giao thông còn lại chưa đảm đương được các thị phần cần thiết trong tổng thể bản đồ giao thông toàn cục.

Thị phần vận tải trên đường bộ đã mất cân bằng nghiêm trọng, vượt 35% ngưỡng an toàn, làm gia tăng tai nạn giao thông. Ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM có nguyên nhân cơ bản từ việc “mất cân bằng sinh thái” này.

Vì thế cần phải đột phá triệt để vào đường sắt và hàng không để thay đổi cơ bản về tỉ lệ thị phần vận tải.

Nếu mở rộng đường sắt từ 1 m qua 1,435 m thì sau hai năm chúng ta sẽ có tàu Bắc Nam tốc độ 130-150 km/giờ, hành trình Hà Nội-TP.HCM đạt 13 đến 15 giờ, giành được 30%-32% thị phần. Đột phá vào hàng không: Bay thẳng để tiết kiệm thời gian và nhiên liệu thì các hãng hàng không đều có lãi, thị phần vận tải hằng năm của hàng không có thể lên 15%-25%. Khi đường sắt và hàng không đạt 50%-55% thị phần cùng với việc tăng năng lực vận tải cho đường biển, đường sông thì sẽ gánh được cho đường bộ để dần trở lại xu thế cân bằng. Khi đó hoạt động vận tải trên các quốc lộ, tỉnh lộ được giảm nhiệt để tập trung phương tiện giao thông cơ giới cho các TP lớn thay thế dần xe máy tư nhân, tạo điều kiện giải quyết ùn tắc giao thông ở các đô thị.

Trả lời phỏng vấn sau khi nhậm chức, tân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng quyết đoán: Chưa làm mới đường sắt mà chủ trương tập trung vốn nội lực cho việc nâng cấp vào đường sắt hiện có bằng việc mở rộng khổ đường từ 1 m lên 1,435 m. Đây thực sự là một tín hiệu lạc quan cho bài toán giao thông nước ta. Nếu quyết liệt thực hiện, chúng ta sẽ giải quyết nhanh thực trạng quá tải và đẩy lùi đại họa tai nạn giao thông. Đó sẽ là “dấu ấn” của bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ mới.

TS TRẦN ĐÌNH BÁ Hội Kinh tế và Vận tải ĐSVN - Hội Khoa học kinh tế VN

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP